Vốn vay ngân hàng bắt đầu rẻ hơn
Quyết định hạ lãi suất tiền đồng của một số ngân hàng thương mại, dù vẫn còn dè dặt, được xem như hành động tự cứu chính mình trước nguy cơ lỗ nặng vì trót huy động giá cao mà không thể cho vay ra.
Từ tháng 7, Ngân hàng Phát triển Nhà TP HCM (HDBank) triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh dành cho khách hàng hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ. Các phương án sản xuất kinh doanh đủ điều kiện sẽ được HDBank giảm 1-4% một năm so với biểu lãi suất cho vay thông thường.
HDBank lý giải chương trình này được triển khai nhằm giải quyết nhu cầu vốn của doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho sản xuất công nghiệp trong nước, góp phần hạn chế nhập khẩu.
Tiếp nối HDBank, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng bắt đầu ưu đãi lãi suất cho các cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu vay vốn phục vụ mục đích kinh doanh, giải ngân từ 1/8 đến hết ngày 31/12 năm nay. Khách hàng sẽ được giảm lãi suất 1,2% cho từng lần giải ngân nếu vay từ 300-500 triệu đồng trở lên (tùy từng địa bàn).
ACB cho biết mục đích của chương trình này là hỗ trợ một phần chi phí lãi vay cho khách hàng trong tình hình căng thẳng về tài chính, giúp khách hàng nâng cao năng lực về vốn, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
"Bản chất của chương trình này là ngân hàng muốn giảm lãi suất một cách có chọn lọc sau thời gian neo ở mức quá cao so với khả năng chấp nhận của doanh nghiệp", Phó tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại nói . Ông cho biết thêm đây là lần đầu tiên ACB quyết định giảm lãi suất cho vay và khách hàng cá nhân, hộ gia đình là nhóm đầu tiên được ngân hàng chọn lựa để giảm lãi suất.
Theo phân tích của ông Toại, mặt bằng lãi suất hiện nay quá cao, ngân hàng phải duy trì vì mục tiêu vĩ mô vẫn là hút tiền để chống lạm phát, song đang có xu hướng giảm dần vì đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.
"Chúng tôi áp dụng trước với nhóm khách hàng cá nhân, hộ gia đình, rồi tùy vào phản ứng của thị trường mà cân nhắc tiếp với các nhóm khác", ông Toại nói.
Tại ACB, lãi suất vay kỳ hạn dưới một năm hiện dao động trên dưới 20% một năm. Nếu dự án tốt, thuộc diện ưu đãi, khách hàng có thể vay với lãi suất 18-19% thậm chí còn thấp hơn. Lãi suất này đã rẻ đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường tháng trước là 22-23%.
Hiện tại, các ngân hàng vẫn chạy đua huy động vốn, nhưng họ chỉ mạnh tay trả lãi cao cho các khoản tiền gửi ngắn hạn nhằm giữ chân khách. Còn với kỳ hạn 3 tháng trở lên, lãi suất có xu hướng giảm dần, vì ngân hàng lường trước khả năng lạm phát giảm dần, và về lâu dài cũng khó cho vay doanh nghiệp với lãi suất cao.
Chủ tịch Hội đồng quản trị một ngân hàng quốc doanh xác nhận rất khó cho vay với mặt bằng lãi suất như hiện nay, vì vậy sẽ cân nhắc giảm nhẹ lãi suất với các khoản vay có hiệu quả. Lãi suất cho vay phổ biến ở ngân hàng này hiện là 18-19% một năm.
Tuy nhiên, theo ông lãi suất khó giảm mạnh và nhanh, bởi thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng hiện dồi dào hơn trước nhưng chủ yếu là nguồn vốn ngắn hạn. Bởi phần lớn khách gửi tiền thời gian qua đều chọn kỳ hạn vài tuần cho tới 1-2 tháng.
"Thanh khoản để mở rộng tín dụng dài hạn vẫn rất khó khăn. Vì thế trước mắt lãi suất khó giảm nhanh, nếu có cũng chỉ giảm nhẹ ở các khoản vay ngắn hạn", ông nói.
Theo ông, nếu thực hiện các quy định khắt khe hiện nay về phát triển tín dụng, thay vì mối lo tăng trưởng tín dụng nóng, nhiều khả năng ngân hàng không thể đạt chỉ tiêu 20% đề ra cho cả năm. 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt hơn 7%.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, lo ngại kịch bản đau thương của cuối năm 2008 có thể tái diễn khi mà ngân hàng cứ phải ôm một lượng lớn vốn đã huy động với lãi suất cao mà không thể cho vay ra, còn doanh nghiệp lại chết dần chết mòn vì đói vốn.
Theo ông, trong khi số ít các ngân hàng lớn đã cạn vốn, cho vay đã vượt xa huy động nên không thể cho vay thêm thì nhiều ngân hàng nhỏ chạy đua hút vốn lãi suất cao thời gian qua lại bị vướng mức trần tăng trưởng tín dụng không quá 20%, nên cũng khó lòng cho vay được nữa.
"Nếu không có giải pháp tháo gỡ, các ngân hàng này có nguy cơ lỗ nặng với số vốn đã huy động với lãi suất cao", ông Hưởng nói.
Để tháo gỡ mâu thuẫn hiện nay, theo ông Hưởng, ngoài nỗ lực giảm lãi suất cho vay của ngân hàng, Nhà nước cần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo năng lực của từng ngân hàng cũng như từng đối tượng khách hàng.
"Chỉ tiêu 20% nên áp dụng chung cho toàn hệ thống, nhưng ở từng ngân hàng có thể áp dụng thấp hoặc cao hơn thế", ông nói thêm.