Tác động từ tỷ giá USD đến thị trường bất động sản
Tỷ giá giữa đồng USD so với tiền Việt tăng cao đã tác động không nhỏ tới thị trường bất động sản.
Từ ngày 11/02/2011, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 VND/USD. Ngày 22/02, tỷ giá VND/USD được các cửa hàng thương mại niêm yết quanh mức 20.790 VND - 20.890 VND. Tại thị trường tự do, giá USD lên mức 22.050 VND - 22.150 VND.
Tổng kết thị trường ngoại tệ cho thấy, thời điểm 31/12/2007, tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại là 16.030, sau đó hai năm (31/12/2009) đã là 18.497, đến năm 2010 là 19.500. Trong khi đó, thị trường USD tự do đã tăng mạnh từ 16.070 VND/USD năm 2007 đến 20.990 VND/USD vào 28/12/2010.
Nhiều chuyên gia cho rằng, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn. (Ảnh: Dothi.net) |
Theo nhận định chung của giới đầu tư, bất động sản vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất trong bối cảnh giá vàng biến động, chứng khoán chùng xuống và nhà đầu tư lúng túng không biết "đổ" tiền vào đâu. Tuy nhiên, biến động tỷ giá tạo áp lực mạnh khiến thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Nguyễn Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Công ty BĐS Đất Phát, một điều dễ nhận thấy, khách hàng mua các sản phẩm bất động sản sẽ bị thiệt thòi. Đối với những khách hàng mua các sản phẩm bất động sản có niêm yết bằng USD và đóng tiền theo tiến độ xây dựng. Việc tỷ giá tăng cao sẽ khiến họ phải mất thêm chi phí trong những đợt thanh toán tiếp theo.
Giá USD tăng dẫn tới nguyên vật liệu xây dựng công trình ngoại nhập sẽ tăng giá. Nhà thầu và chủ đầu tư sẽ nâng giá sản phẩm bất động sản khi có biến động về giá vật liệu là điều sẽ xảy ra.
Ngoài ra, những chi phí khác như thiết kế, tư vấn xây dựng, tiếp thị, quảng cáo,… hầu hết đều thuê qua các công ty nước ngoài cũng tính bằng USD.
Còn ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Vinaland Invest nhận định rằng, tỷ giá tăng chắc chắn có ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản theo hướng tiêu cực. Giá tăng sẽ tác động xấu đến thị trường, chỉ một số ít dự án đã xây dựng xong được hưởng lợi. Tác động xấu nhất của biến động tỷ giá là tạo sự bất ổn vĩ mô, tác động xấu đến tâm lý và môi trường đầu tư gây khó khăn cho dự báo và lập kế hoạch kinh doanh dài hạn của các doanh nghiệp.
Ông Hoàng cho biết thêm, tỷ giá tăng ảnh hưởng đến giá nguyên liệu cơ bản như năng lượng, xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng vốn chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành xây dựng nhà ở do đó giá nhà chắc chắn sẽ phải tăng trong thời gian tới. Nhóm nhà ở cao cấp chịu ảnh hưởng lớn hơn vì sử dụng nhiều thiết bị nhập khẩu.
Giá tăng sẽ làm cho việc mua bán nhà thêm khó giao dịch. Đồng thời, biến động này sẽ làm phát sinh tranh chấp những hợp đồng mua bán nhà bằng USD. Với nhà ở đã xây xong, người mua nhà sẽ chịu thiệt thòi. Với dự án đang trong quá trình xây dựng tiến độ thanh toán tiền cho chủ đầu tư sẽ bị chậm lại ảnh hưởng đến cả khách hàng và chủ đầu tư.
Hưởng lợi từ việc tăng giá USD, ông Hoàng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch đầu tư, mua lại bất động sản tại Việt Nam và những dự án đã cơ bản xây dựng xong và được thanh toán bằng USD trong hợp đồng sẽ được lợi.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), tỷ giá tăng có tác động gián tiếp tới đầu vào của dự án, ảnh hưởng đến lãi suất vay tiền. Khi đó, những dự án bất động sản vay vốn ngân hàng sẽ phải chịu mức lãi suất cao.
Tỷ giá tăng cũng sẽ không ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài bởi tỷ giá càng tăng thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ càng có lợi khi đầu tư vào các dự án BĐS ở Việt Nam. Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài khi thị trường biến động thiếu sự ổn định.
Với sự suy giảm giá trị tiền đồng liên tiếp trong thời gian gần đây, điều này ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Cũng chính vì thế, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam đã đưa ra lời khuyên, hoạt động đầu tư trong năm 2011 sẽ cần phải “thận trọng” do những áp lực lên VNĐ và tình trạng lạm phát không ngừng gia tăng.