Quy hoạch khu dân cư đại học: Nên 'xin' phần đất ở Dĩ An về TP.HCM?
TTO - Việc hình thành khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM nhằm phát huy những lợi thế về tính cửa ngõ, các hạ tầng dịch vụ sẵn có là đào tạo bậc cao, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, sản xuất tiên tiến.
Đại học Quốc gia TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề quy hoạch khu đô thị đặc biệt này, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, giảng viên cao cấp khoa đô thị học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - (ĐH Quốc gia TP.HCM), phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM, cho biết:
Trong số 643,7 ha của khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, phần diện tích đất P.Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) chỉ có 120ha. Hiện nay, ĐH Quốc gia TP.HCM chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng nên việc đơn vị này trú đóng trên phần đất của cả hai địa phương có thể chấp nhận được. Nhưng nếu quy hoạch thành khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM thì nó nằm trong cơ cấu của TP Thủ Đức và là hạt nhân của khu vực này. Do vậy TP.HCM cần kiến nghị Chính phủ xin phần đất của Dĩ An (Bình Dương) về cho TP.HCM bởi đây là khu vực khá tiềm năng và thuận tiện cho việc ĐH Quốc gia TP.HCM mở rộng lãnh thổ và nâng tầm ảnh hưởng.
* Có ý kiến cho rằng nên nhìn nhận khu đô thị đại học theo nghĩa rộng hơn, không chỉ ĐH Quốc gia TP.HCM mà cần kết nối với các đại học trong khu vực Thủ Đức và khu dân cư lân cận thành một cộng đồng dân cư tri thức. Ý kiến của ông về việc này ra sao?
- Nhiệm vụ của một thành phố sáng tạo là tiếp nhận các phát minh sáng chế trên thế giới, nghiên cứu ứng dụng vào VN, sau đó chế tạo thử và thử nghiệm, rồi chuyển giao công nghệ và thương mại hoá. Trong khi hiện nay về cơ bản ĐH Quốc gia TP.HCM chỉ thực hiện chức năng giáo dục, đào tạo. Muốn khu này trở thành hạt nhân cần mở rộng chức năng của nó là nghiên cứu, chế tạo, chuyển giao, thương mại hóa.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Ảnh: TỰ TRUNG
Do vậy, điều quan trọng hơn nữa là cần kết nối khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM với Khu công nghệ cao TP.HCM, hiện đang bị chia cắt bởi xa lộ Hà Nội. Bên cạnh đó, ở khu vực này còn có hàng chục trường đại học, cao đẳng cũng cần hợp tác, kết nối với nhau để chia sẻ những hạ tầng hiện đại như thư viện số, phòng thí nghiệm quốc tế, khu thể dục thể thao…
* Dưới góc độ quy hoạch đô thị, Khu công nghệ cao TP.HCM và khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM cần kết nối hạ tầng thế nào để nhân lực hai khu làm việc với nhau, thưa ông?
- Việc kết nối khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM và Khu công nghệ cao có thể làm đường trên cao hoặc là đường hầm. Việc kết nối về mặt quy hoạch này vô cùng quan trọng, góp phần sự kết nối mềm từ một bên nghiên cứu với một bên chế tạo giữa hai đơn vị. Tuy nhiên, sau khi hai khu này liên thông nhau, nếu không cẩn thận thì trung tâm hạt nhân của thành phố sáng tạo sẽ rơi vào tình trạng "ngày sống, đêm chết", tức là ban ngày ở khu vực này nhộn nhịp mà ban đêm không có ai cả.
Vấn đề đặt ra là làm sao cho trung tâm thành phố mới này "sống" được. Giải pháp là tăng phần dịch vụ và biến nơi đây thành khu dân cư đại học, trong đó có nhà ở cho các giáo sư, nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy trẻ… Bên cạnh đó cần xây dựng thêm nhiều nhà xưởng để chế tạo thử, khu thí nghiệm hiện đại…
Khu đại học quốc gia vẫn chủ yếu là các tòa nhà đại học, ký túc xá, chưa có các chung cư - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Những thành phố sáng tạo trên thế giới hiện nay có rất nhiều người dân sống trong đó. Họ là dân cư chất lượng cao là các chuyên gia, nên có cả trường mầm non, tiểu học, trung học…ngay bên trong khu đô thị này. Chính những điều này giúp khu đô thị sáng tạo trở thành thành phố sôi động và mới có thể trở thành hạt nhân được. Một thành phố mới với chức năng chính là đô thị sáng tạo thì nó cần phải "sống" được.
* Tuy nhiên, khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM hiện nay không có quỹ đất dành để xây dựng nhà ở, khu dân cư bên trong…
- Điều cần phải làm là mở rộng chức năng hoạt động của ĐH Quốc gia TP.HCM. Hiện nay ĐH Quốc gia không đ ược phép cho thuê đất đai, không được kinh doanh… Do vậy cần phải mở rộng thêm chức năng kinh tế, dịch vụ và tài chính. Trên thực tế phần đất trống ở khu vực này còn rất nhiều, hoàn toàn có thể quy hoạch thành khu dân cư. Vấn đề là có cho phép ĐH Quốc gia làm việc này hay không thôi.
* Khu đô thị sáng tạo phía Đông đang muốn xây dựng thành một thành phố công nghệ cao, tri thức cao như vậy không thể thiếu dân cư có chất lượng cao, trình độ cao. Cần tạo ra môi trường sống sao để có thể thu hút được họ?
- Với cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay không cần nhiều đất, đông dân mà cần chất lượng sống cao. Ở đó cần nhiều cây xanh, không khói bụi, yên tĩnh là môi trường lý tưởng để tập trung làm nghiên cứu và có đầy đủ dịch vụ. Những thành phố sáng tạo trên thế giới đều được đầu tư theo chiều sâu, không theo chiều rộng với dân số ít mà vô cùng chất lượng.
Cách đại học Quốc gia không xa là Khu công nghệ cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Theo ông, thành phố phía Đông cần hoàn thiện hạ tầng đô thị ra sao để có thể kết nối để chia sẻ hạ tầng hiện đại, kết nối với trung tâm TP.HCM?
- Theo tôi chỉ nên tập trung đầu tư sâu, mạnh mẽ, vốn đổ dồn vào cơ sở hạ tầng cho phần hạt nhân của thành phố sáng tạo này là khu ĐH Quốc gia TP.HCM và Khu công nghệ cao TP.HCM. Từ phần hạt nhân này sẽ phát triển và dần lan toả ra các khu vực xung quanh. Những khu vực xung quanh chỉ cần chỉnh trang đô thị lại cho phù hợp chứ không làm theo kiểu đại công trường như nâng đường các khu vực sát bờ sông sẽ gây nên tình trạng ngập nặng.
Nhu cầu nhà ở không chỉ cần thiết cho đội ngũ giảng viên mà còn các sinh viên.
Trong ảnh là một dự án bất động sản gần khu đại học Quốc gia dành cho giới trí thức trẻ - Ảnh: HƯNG THỊNH LAND
Nguyễn Thanh Nhân (sinh viên ngành Công nghệ kĩ thuật máy tính, Trường ĐH Sư phạm kĩ thuật TP.HCM):
Mong được sở hữu căn hộ và định cư lâu dài
Đối với ngành học của tôi, khu vực thành phố phía Đông có tiềm năng việc làm khá lớn khi xung quanh có Khu công nghệ cao, các viện nghiên cứu...Tôi thấy giờ đây vùng trung tâm TP.HCM cũng đã bị bão hòa cơ hội việc làm cho những người trẻ như mình. Trong tương lai, nếu có thể lựa chọn, tôi sẽ chọn làm việc và sinh sống ở khu vực phía đông. Bởi hiện giờ khu vực này đang trên đà phát triển. Chưa kể các chung cư đang mọc lên ngày càng nhiều, thích hợp với thu nhập của tôi nếu có ý định sở hữu một căn và định cư lâu dài.
Tuy nhiên, tình trạng an ninh và kẹt xe là hai vấn đề cần được điều chỉnh lại cho hợp lý hơn. Những hôm đi làm thêm ở Mai Chí Thọ hay có việc cần di chuyển vào phía trung tâm, có khi tôi bị kẹt khá lâu đoạn từ Ngã tư Thủ Đức đến Điện Biên Phủ. Tôi mong là khi phát triển, những vấn đề này cần phải được cải thiện để có thể yên tâm làm việc, định cư.
Nguyễn Bích Nguyên (sinh viên năm 3 ngành Makerting, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông):
Xây thêm những chung cư chất lượng
Thành thật mà nói, khu vực phía Đông thành phố hiện nay tuy khá sầm uất nhưng còn ít các công ty, cụm hành chính lớn. Mỗi khi đi làm ở trung tâm hay cần giải quyết giấy tờ, tôi mất thời gian di chuyển khá xa, chưa kể còn bị kẹt xe. Tôi mong muốn khi được quy hoạch, khu vực phía Đông thành phố sẽ là nơi tập trung nhiều các công ty, doanh nghiệp để tôi được tiếp cận nhiều cơ hội việc làm hơn. Bên cạnh đó, cần xây dựng thêm những chung cư chất lượng để tôi phần nào yên tâm lựa chọn vấn đề nhà ở.
Phùng Kim Yến - sinh viên năm cuối Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM:
Cải thiện giao thông công cộng
Đã ở trong Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM 4 năm tôi thấy khu vực nơi đây còn nhiều điều cần cải thiện. Mặc dù cơ sở vật chất ở trường học, ký túc xá khá tốt nhưng hệ thống đường xá nơi đây không ổn. Nhiều đoạn đường không có đèn đường, có gờ giảm tốc quá cao...Nếu có thể giải quyết những điều đó thì nơi đây mới có thể trở thành một khu đô thị đúng nghĩa.
Về giao thông công cộng, tôi mong sẽ có lộ trình, thời gian hợp lý giữa các tuyến xe buýt khu vực này. Xe buýt là phương tiện di chuyển chính của sinh viên. Nhưng vào những giờ cao điểm, các bạn phải chen lấn khủng khiếp, đặc biệt là ở các điểm đón như ký túc xá, các trường học.
Theo tuoitre.vn