Ồ ạt xây trung tâm thương mại trên đất vàng

Giữa lúc kinh tế khó khăn, các khu mua sắm cao cấp vẫn đua nhau mọc lên ở các tuyến phố đắt đỏ bậc nhất Sài Gòn như: Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ... và thổi lửa vào cuộc đua giành thị phần này trong thời gian tới.

Địa chỉ vàng được nhiều doanh nghiệp rót vốn đầu tư khu thương mại là phố Đồng Khởi, quận 1, TP HCM, nơi được xem là chật chội với nhiều cao ốc. Chỉ tính riêng tuyến đường này đã có ít nhất 3 khu mua sắm quy mô lớn cách nhau vài bước chân: Vincom Center B, Parkson và mới đây là Vincom Center A (38.000 m2 bán lẻ) mở cửa đón khách hôm 10/10.

Đó là chưa kể đến cuộc đua của các các mặt bằng tư nhân san sát nhau, những gian hàng trưng bày hàng hiệu ở tầng trệt khách sạn Sheraton, Caravelle và tòa nhà thương mại Opera View.

Phố Lê Lợi cũng không kém cạnh với nhiều khu mua sắm lớn nối đuôi nhau thành chuỗi dài từ thương xá Tax, mặt tiền khách sạn Rex đến Saigon Center giai đoạn 1. Tuyến đường này còn có khu phức hợp thương mại, dịch vụ của dự án Saigon Center giai đoạn 2 và 3 đang xây dựng. Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành vào năm 2015, cung cấp 50.000 m2 thương mại cho khu trung tâm thành phố.

 

Ồ ạt xây trung tâm thương mại trên đất vàng
Trục trung tâm quận 1, TP HCM được xem là nơi chật chội với nhiều cao ốc trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn. Ảnh: Vũ Lê


Đường Nguyễn Huệ sắp đón nhận 9.000 m2 bán lẻ từ dự án Times Square. Ngã ba vàng Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Bến Chương Dương cũng chuẩn bị có 23.000 m2 thương mại dịch vụ từ cao ốc Sài Gòn M&C. Còn khu tứ giác đắc địa: Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette nhìn ra chợ Bến Thành đã được Tập đoàn Bitexco chọn mặt gửi vàng làm khu phức hợp The One (thương mại, dịch vụ, khách sạn...).

Một trong những lý do các đại gia vẫn rót vốn xây các khu thương mại trên đất vàng giữa thời buổi khó khăn được lý giải vì khu trung tâm luôn thu hút các thương hiệu lớn, thậm chí khách còn đặt hàng trước khi dự án hoàn thành.

Chủ tịch Công ty Keppel Land Việt Nam, Linson Lim (chủ đầu tư dự án Saigon Center) cho biết: "Chúng tôi đã ký hợp đồng cho thuê dài hạn với Takashimaya. Theo đó Takashimaya cam kết thuê khoảng 15.000 m2 sàn bán lẻ tại 5 tầng của Saigon Centre Giai đoạn 2 & 3".

Ông Linson Lim cho biết thêm, đơn đặt hàng sớm của Takashimaya chiếm 30% diện tích sàn thương mại cùng với một số nhà bán lẻ đã đăng ký thêm trong thời gian vừa qua, Keppel Land tin sẽ phát triển dự án đúng thời hạn năm 2015.

 

Ồ ạt xây trung tâm thương mại trên đất vàng
Dựa trên mật độ của kênh bán lẻ hiện đại tại TP HCM là 0,09 m2 trên một người, thấp hơn so với Bangkok, và Kuala Lumpur, Savills dự báo chưa cần lo ngại thừa trung tâm thương mại tại Sài Gòn. Ảnh: Vũ Lê


Lý do doanh nghiệp kiên trì theo đuổi dự án trong một thời gian dài, theo ông Linson Lim, vì các tuyến đường thương mại huyết mạch ở khu trung tâm TP HCM không những có vị trí đắc địa, dễ nhận biết mà còn giúp cho dự án có cơ hội trở thành biểu tượng của thành phố.

Trong khi đó, tại buổi khai trương trung tâm thương mại Vincom Center A hôm 10/10, đại diện Tập đoàn Vingroup cho hay, sau 8 tháng công bố chào thuê, hơn 95% diện tích mặt bằng bán lẻ của dự án đã được lấp đầy.

Ngoài ra, điều khiến kênh đầu tư khu thương mại trên đất vàng hấp dẫn với nhà đầu tư là giá thuê vẫn duy trì ở mức cao trong nhiều năm qua. Báo cáo quý III của các đơn vị tư vấn khảo sát bất động sản, giá thuê mặt bằng thương mại ở khu trung tâm chỉ giảm nhẹ và vẫn ở mức cao ngất ngưởng.

Theo CBRE, trong quý III, giá thuê mặt bằng bán lẻ ở các trung tâm Sài Gòn giảm 5,8-11,6% so với cùng kỳ năm 2011 song vẫn ở mức 103,6-105,4 USD mỗi m2 một tháng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí dịch vụ. Còn Savills và Knight Frank cho hay, dù các khu mua sắm ở ngoài trung tâm đối mặt với khó khăn, mặt bằng bán lẻ tại quận 1 vẫn giữ được giá thuê cao và công suất hoạt động trên 95%.

Trưởng phòng nghiên cứu Công ty Savills Trương An Dương dự báo: "Đất vàng quận 1 với lợi thế là trái tim, trung tâm thương mại của TP HCM sẽ tiếp tục có thêm nhiều khu mua sắm hiện đại trong thời gian tới".

Theo ông Dương, việc ồ ạt xây trung tâm thương mại trên các khu đất vàng là điều tất yếu và sẽ làm nổ ra cuộc cạnh tranh tích cực. Đó là tăng chất lượng dịch vụ, cạnh tranh về giá, có nhiều loại hình vui chơi giải trí và ẩm thực... Điều bất lợi nếu có là việc gia tăng lưu lượng giao thông quanh các trung tâm thương mại này gây sức ép lên hạ tầng.

Chuyên gia này phân tích, TP HCM có hơn 8 triệu người, dân số trẻ, trình độ học vấn cao, tầng lớp thu nhập trung bình và cao gia tăng nhanh. Thị phần của kênh bán lẻ hiện đại còn thấp và có nhiều tiềm năng phát triển. "Hiện mật độ của kênh bán lẻ hiện đại tại TP HCM là 0,09 m2 trên một người. Tỷ lệ này còn rất thấp so với 0,8 của Bangkok, Thái Lan và 0,6 của Kuala Lumpur, Malaysia. Do đó, chưa cần lo ngại thừa trung tâm thương mại", ông nói.

 

Theo VnExpress

TIN TỨC KHÁC

Copyright © 2018 PropertyX. All Right Reserved | Một thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh | Chính sách bảo mật thông tin