Nhiều triển vọng thị trường khách sạn và nghỉ dưỡng
Ngành du lịch Việt Nam nói chung tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, với số lượng khách nước ngoài đạt 2,5 triệu lượt người, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, qua đó tạo ra nhu cầu đáng kể cho thị trường khách sạn.
Do sự biến động của suy thoái kinh tế, thị trường khách sạn cũng chịu ảnh hưởng. Ngành khách sạn cao cấp của Việt Nam có mức giảm lớn nhất so với các thành phố khác trong khu vực.
Nhận định của CBRE, giá phòng khách sạn cao cấp của Việt Nam không hề thua kém với các nước trong khu vực. Giống các nước khác trong khu vực, Việt Nam chịu ảnh hưởng của tác động khủng hoảng kinh tế.
Kể từ tháng 8, 9/2009, ngành khách sạn đã phục hồi theo sự phục hồi của nền kinh tế. Công suất cho thuê phòng tại các thành phố lớn trong khu vực đã dần có dấu hiệu tăng. Mặc dụ vậy, ngành khách sạn cao cấp tại Việt Nam không đạt được hiệu quả. Công suất phòng tại các khách sạn giảm lớn nhất so với các nước khác trong khu vực.
So với các nước trong khu vực cùng loại hình kinh doanh khách sạn như Thái Lan, Indonesia, các chỉ số về kinh doanh khách sạn ở Việt Nam đang dẫn đầu. Lượng khách du lịch đến Việt Nam đóng góp nhiều vào ngành kinh doanh khách sạn. Thị trường Việt Nam mới hình thành và còn khá non trẻ, do đó có xu hướng dễ nhạy cảm hơn với những biến động ở bên ngòai.
Theo ông Robert McIntosh, giám đốc điều hành khối khách sạn của CBRE Hotel, nguyên nhân khách sạn cao cấp giảm mạnh không phải do Việt Nam kém hấp dẫn hơn về mặt du lịch hay khách thương gia đến Việt Nam để kinh doanh giảm. Nguyên nhân chính, đó là nguồn cung tăng lên, nhu cầu khách sạn cao cấp không tăng.
Thị trường khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng đã thay đổi nhiều từ giai đoạn trước khủng hoảng, với việc khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn và có nhiều lựa chọn hơn. Nhiều dự án đang xây dựng hoặc gần sắp hòan thiện xây dựng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn và khách hàng càng hiểu biết và đòi hỏi cao hơn so với trước đây.
Ngành du lịch Việt Nam nói chung tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, với số lượng khách nước ngoài đạt 2,5 triệu lượt người, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước, qua đó tạo ra nhu cầu đáng kể cho thị trường khách sạn. Khách nội địa đạt 14,8 triệu lượt trong thời gian này, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường du lịch nội địa ngắn và trung hạn vẫn chưa có xu hướng rõ ràng, cơ cấu khách của các khách sạn và khách của các khu nghỉ dưỡng vẫn liên tục thay đổi. Tỷ lệ khách du lịch quay lại Việt Nam rất thấp.
Ông Robert McIntosh cho biết thêm, với ưu thế một điểm đến mới mẻ, chưa được khám phá nhiều, nhiều dự án đã được giới thiệu và hòan thiện thành công trong những năm qua, chứng tỏ Việt Nam là một thị trường có nhiều tiềm năng chưa được khai thác và đầy hứa hẹn cho đầu tư khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng. Việt Nam có khả năng gia tăng đáng kể lượng khách nước ngòai mua nhà nghỉ dưỡng ven biển khi cơ sở hạ tầng quốc gia hoàn chỉnh và các chính sách khuyến khích phát triển du lịch được hoàn thiện nhằm thu hút du khách quay trở lại hoặc kéo dài thời gian nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, khách du lịch nội địa cũng đóng góp một phần lớn vào doanh thu ngành khách sạn. Khách du lịch Việt Nam khác so với những năm trước, họ đòi hỏi cao hơn, quan tâm nhiều đến giá trị và dịch vụ, nắm bắt được thông tin nhiều hơn.
Các chủ đầu tư nắm bắt nhu cầu và xu hướng của người tiêu dùng, họ sẽ biết tạo ra những dòng sản phẩm phù hợp. Việc chủ đầu tư đơn thuần lặp lại các thiết kế có sẵn , không nghiên cứu kĩ thị trường, có thể đối mặt với nhiều rủi ro.
Với Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội và Chương trình kích cầu du lịch của Tổng cục Du lịch trong nửa năm còn lại của 2010, lượt khách du lịch được kỳ vọng sẽ tăng mạnh và hiệu suất sử dụng phòng và của thị trường khách sạn sẽ được cải thiện.
“Việt Nam vẫn còn là một thị trường mới mẻ, hấp dẫn cho nhiều dự án mới với các sản phẩm độc đáo. Cho dù, thị trường có những thay đổi, nếu các chủ dự án và nhà đầu tư chủ động tích cực thích nghi với những thay đổi và cung cấp các dòng sản phẩm mới mẻ, sáng tạo, tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sự phát triển trung và dài hạn ngành công nghiệp khách sạn nghỉ dưỡng của Việt Nam”, ông Robert McIntosh nhận định.
Theo dothi.net