Nhà khoa học Việt ở Australia tạo bước đột phá sinh học
Anh Hùng với một số cây non được trồng trong phòng thí nghiệm. Ảnh: sunshinecoastdaily. |
Cao Đình Hùng, sinh viên Việt Nam tại Đại học Sunshine Coast (USC), Australia, đã đạt được bước đột phá về nhân giống cây thân gỗ nhiệt đới, có tiềm năng quan trọng cho ngành lâm nghiệp và môi trường.
"Tôi muốn hoàn thành chương trình tiến sĩ của mình về việc thúc đẩy ngành trồng trọt cây thân gỗ tại Australia và Việt Nam", Hùng - nghiên cứu sinh năm cuối, 36 tuổi, nói. "Tôi muốn góp phần giảm nạn phá rừng đồng thời gây dựng rừng cây ở cả hai quốc gia".
Anh cùng Phó Giáo sư Stephen Trueman của USC đã thành công trong việc nhân nhanh các hạt cây bạch đàn lai, vượt qua được những nhược điểm của các phương pháp gieo hạt và giâm cành.
Tuy nhiên, do đặc tính của các hạt bạch đàn lai cũng như phương pháp vi nhân giống đòi hỏi phải trải qua nhiều giai đoạn trong ống nghiệm, rất khó bảo quản (vì có vô số dòng hạt) cũng như không dễ dàng đưa chúng ra trồng ở ngoài rừng để chọn dòng ưu việt, nên gần đây, Hùng đã thiết kế ra một phương pháp sản xuất hạt tổng hợp (nhân tạo) theo "kiểu mới" có cấu trúc, kích thước, hình thái, khả năng nảy mầm, sức chống chịu và tính ứng dụng khác với tất cả các loại hạt nhân tạo truyền thống trước đây.
Với phương pháp này, mỗi năm có thể sản xuất được khoảng 10 triệu hạt nhân tạo cây bạch đàn lai từ một hạt thật ban đầu, và cho phép đưa trực tiếp các hạt nhân tạo này ra trồng ở vườn ươm hoặc lâm trường để chọn dòng.
Tiến sĩ Stephen Trueman nhận định phương pháp này đã khắc phục được nhược điểm của các phương pháp vi nhân giống và hạt nhân tạo truyền thống, giúp trồng cây nhanh chóng và đơn giản hơn rất nhiều.
"Thông thường một hạt giống cho ra 100 cây mỗi năm", Trueman nói. "Bằng cách này, chúng ta có thể trồng được 10 triệu cây một năm, và giảm một nửa quy trình trong phòng thí nghiệm và trong vườn ươm".
"Nó cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể chọn lọc những cây có chất lượng gỗ tốt nhất để trồng trọt và cây hấp thụ tốt khí carbon trong không khí, có lợi cho môi trường".
Cao Đình Hùng tại khuôn viên trường đại học. Ảnh tác giả cung cấp. |
Với phương pháp mới này, Hùng cũng áp dụng nghiên cứu trên một loài cây lai có tiềm năng to lớn khác - đó là cây gụ có nguồn gốc ở châu Phi (African mahogany). Cây gụ cho gỗ quý hơn cây bạch đàn, đồng thời có thể sử dụng để hỗ trợ chữa bệnh ung thư, sốt rét, lỵ, và tiêu chảy.
Tiến sĩ Trueman, người hợp tác với Hùng trong công trình nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Botany của Australia, nhận xét Hùng là một nghiên cứu sinh xuất sắc. Theo ông, lợi ích có thể đến sớm hơn dự tính, khi vào tuần trước, Hùng đã gửi một mẻ hạt tổng hợp mới tới vườn ươm, để sau khi nảy mầm chúng có thể được trồng tại các khu rừng phục vụ cho ngành xây dựng.
Trao đổi với Vnexpress, Hùng tâm sự anh muốn sau khi lấy bằng Tiến sĩ xong có thể tìm kiếm nguồn kinh phí để theo đuổi nghiên cứu Sau Tiến sĩ, sau đó sẽ trở về Việt Nam cống hiến cho đất nước, khi tuổi đời còn trẻ.
Hùng sinh năm 1974, tại Thừa Thiên-Huế. Tốt nghiệp Đại học Khoa học Huế đạt loại giỏi, Hùng đi làm nghiên cứu khoa học nhiều năm và sau đó sang Sydney học Thạc sĩ theo học bổng AusAID. Hùng đã tốt nghiệp Thạc sĩ hạng ưu tại trường Đại học Công nghệ Sydney với những công trình nghiên cứu có chất lượng. Sau đó anh tiếp tục theo học tiến sĩ tại Đại học USC - một trong những trường danh tiếng hàng đầu Australia về ngành lâm nghiệp.
Theo vnexpress.net