Muốn làm ‘hạt nhân’ khu đô thị sáng tạo, ĐHQG TP.HCM phải thoát cảnh ‘ngày sống, đêm chết'

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia trong tọa đàm ‘An cư lạc nghiệp ở đô thị sáng tạo’ do báo Tuổi Trẻ tổ chức chiều 29-9. Theo đó, ĐH Quốc gia TP.HCM đang có nhiều cơ sở để trở thành một khu an cư cho nhiều lao động tri thức cao.

 

Muốn làm ‘hạt nhân’ khu đô thị sáng tạo, ĐHQG TP.HCM phải thoát cảnh ‘ngày sống, đêm chết
Ông Nguyễn Duy Hưng - phó trưởng phòng quản lý quy hoạch khu trung tâm Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Ông Nguyễn Duy Hưng - phó trưởng phòng quản lý quy hoạch khu trung tâm Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM - cho biết, khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông trong tương lai là vùng gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay, với quy mô khoảng 21.000ha, chiếm 1/4 diện tích đô thị của TP.HCM.

TP đang triển khai theo đề án quy hoạch chung được thủ tướng phê duyệt năm 2010. Khu đô thị dự kiến với các mục tiêu quan trọng như phát triển gắn với kinh tế tri thức, nâng tầm các trường đại học đạt chuẩn quốc tế,…

Đặc biệt trong đó là những mô hình đảm bảo nhu cầu ở, vui chơi giải trí, tạo điều kiện tiết kiệm thời gian di chuyển cho người dân. "Làm sao từ nơi ở đến nơi làm, giải trí, mua sắm có thể đi bộ hoặc các phương tiện công cộng", ông Hưng nói.

Nhu cầu an cư rất lớn

 

Muốn làm ‘hạt nhân’ khu đô thị sáng tạo, ĐHQG TP.HCM phải thoát cảnh ‘ngày sống, đêm chết
PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

 

PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết, ĐH Quốc gia TP.HCM từ lâu đã là một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực lớn cho TP.HCM và các tỉnh phía nam. Từ năm 2016-2020, ĐH Quốc gia TP.HCM đóng góp khoảng 60.000 cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ mỗi năm.

Hiện nay, ĐH Quốc gia TP.HCM có khoảng 6.000 cán bộ, giảng viên làm việc. Nếu tính thêm các trường lân cận như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐH Ngân hàng, Trường ĐH Nông lâm,… con số này có thể lên đến 10.000 người.

Đó là chưa kể số sinh viên của ĐH Quốc gia TP.HCM là khoảng 70.000 người, trong đó gần 35.000 sinh viên sinh sống thường xuyên tại ĐH Quốc gia TP.HCM.

Một trong những mục tiêu của ĐH Quốc gia TP.HCM trong giai đoạn 2020-2025 là trở thành hạt nhân cho khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP.HCM trên cơ sở trở hình thành khu đô thị xanh, thông minh và thân thiện.

"Do đó, nhu cầu an cư ở khu vực này rất lớn. Theo tôi, muốn có được đô thị sáng tạo thì người dân ở thành phố này, trước hết là các thầy cô, giảng viên, cần có chỗ ở ổn định", ông Quân nói.

Phải là thành phố "sống"

 

Muốn làm ‘hạt nhân’ khu đô thị sáng tạo, ĐHQG TP.HCM phải thoát cảnh ‘ngày sống, đêm chết
Nhà báo Huy Thọ (báo Tuổi Trẻ) chủ trì buổi tọa đàm - Ảnh: NHƯ HÙNG

 

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - giảng viên cao cấp khoa đô thị học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, (ĐH Quốc gia TP.HCM), phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM - cho biết, sau khi sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức, khu đô thị mới sẽ là một đơn vị hành chính mới chiếm khoảng 1/10 diện tích, 1/10 dân số TP.HCM dân số TP.HCM hiện tại với hàm lượng chất xám cao.

Ông Hòa cho biết, trước mắt cần tập trung phát triển cho ĐH Quốc gia TP.HCM và Khu công nghệ cao. Đây là hai khu đã có sẵn, nhưng đang bị Xa lộ Hà Nộ ngăn cách. Việc kết nối hai khu có thể bằng đường trên cao hoặc đường hầm, liên kết một bên nghiên cứu với một bên chế tạo.

Ông Hòa góp ý, muốn trở thành ĐH Quốc gia TP.HCM trở thành hạt nhân của khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, nơi đây phải thoát khỏi tình trạng "ngày sống, đêm chết". Hiện tại, ban đêm tại khu ĐH Quốc gia TP.HCM gần như không có người, chủ yếu là sinh viên.

Do vậy, cần phải mở rộng thêm chức năng an cư, kinh tế, dịch vụ và tài chính cho ĐH Quốc gia TP.HCM trên khu vực đất trống còn rất nhiều. Dù vậy, luật hiện nay vẫn chưa cho phép các trường cho thuê đất đai, không được kinh doanh…

Tương tự, ông Trương Minh Huy Vũ - giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng, khu đô thị sáng tạo cần có tương tác giữa những nhóm người cùng tầm nhìn, nghề nghiệp, sự phát triển hướng đến cùng một mục tiêu. Chính tương tác giữa những người này mới tạo động lực và giá trị cho sự phát triển.

Ông Vũ cũng nhìn nhận khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM cũng bắt đầu hình thành nhưng sau 5h hầu như vắng bóng người. Có thể thấy, khu vực này đang thiếu không gian chia sẻ, tiếp xúc, giải trí để những ý tưởng được hình thành và triển khai.

Ông Vũ cũng đề xuất bốn nguyên tắc khi thực hiện dự án là: làm theo cụm, có tính ưu tiên, vị trí và yếu tố quyết định nhất là con người chứ không phải thể chế.

Cần thêm những ưu tiên

 

Muốn làm ‘hạt nhân’ khu đô thị sáng tạo, ĐHQG TP.HCM phải thoát cảnh ‘ngày sống, đêm chết
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - giảng viên cao cấp khoa đô thị học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, (ĐH Quốc gia TP.HCM),
phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

 

Ông Nguyễn Văn Toàn - trưởng phòng công tác sinh viên, Trường ĐH Công nghệ thông tin - kể lại, trước đây dù sống ở Tân Bình nhưng đi làm ở ĐH Quốc gia TP.HCM. Mỗi buổi tối, sớm nhất 20h mới về tới nhà.

"Tôi thấy rằng bỏ 3 tiếng đi lại rất phí, nên chuyển về phường Đông Hòa, Dĩ An ở. Nhiều người làm ở ĐH Quốc gia cũng chuyển về đây, không còn chịu kẹt xe, ngập nước, có thể đi xe đạp đến chỗ làm", ông Toàn nói.

Ông chia sẻ, hiện nay nhiều dự án nhà ở cao tầng được xây dựng ở khu vực này, nhưng dường như thiếu trường mầm non và các tuyến xe buýt kết nối Dĩ An và ĐH Quốc gia TP.HCM.

Bà Phạm Thị Thanh Bình - Trưởng phòng quản lý đô thị Q.9 - cho biết, Q.9 có 80 ha của ĐH Quốc gia nhưng các dự án an cư vẫn chưa được thực hiện.

Một trong các nguyên nhân là do hạ tầng kỹ thuật, giao thông, triển khai dự án chưa đồng bộ, các dịch vụ, tiện ích, trường học chất lượng còn thiếu…

Theo tuoitre.vn

 

TIN TỨC KHÁC

Copyright © 2018 PropertyX. All Right Reserved | Một thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh | Chính sách bảo mật thông tin