Khi nhà đầu tư chuyển sang đồng nội tệ

Người dân cảm thấy lợi ích của họ được đảm bảo hơn khi gửi và cho vay bằng VND và đây là yếu tố tất yếu chứ không phải do ai ép buộc.

hi nhà đầu tư chuyển sang đồng nội tệ - Địa Ốc Hưng Thịnh

 

TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc Gia đã nhấn mạnh điều này khi trao đổi về hiện tượng giá USD trên thị trường tự do còn thấp hơn giá USD trong hệ thống ngân hàng khi thị trường ngoại tệ bị siết chặt hơn.


TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, việc tăng dự trữ bắt buộc có thể lên đến 10% hoặc hơn nếu Ngân hàng Trung ương thực sự thấy điều đó là cần thiết. Bên cạnh đó có thể áp dụng các biện pháp khắt khe hơn không chỉ dừng ở việc hạn chế tiền gửi bằng ngoại tệ mà tiến tới là hạn chế cả cho vay ngoại tệ.


Ngay sau khi áp dụng các chính sách mới, tỷ giá USD trên thị trường tự do đã có dấu hiệu giảm giá, thậm chí còn có thời điểm giá USD trên thị trường tự do còn thấp hơn giá USD trong hệ thống ngân hang. Đây đúng là một động thái tích cực. Hy vọng nếu áp dụng các biện pháp này từ nay cho đến cuối năm, thì người dân cảm thấy việc vay và gửi đồng VND là yếu tố tất yếu chứ không phải do ai ép buộc, và họ nhận thấy lợi ích của họ được đảm bảo hơn khi gửi và cho vay VND.


TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, thực tế thì lãi suất thực nhận được khi gửi VND trong ngân hàng là 16-17%/năm, không như lãi suất trần mà nhà nước đã qui định là 14%/năm. Nếu tính về lợi tức tiền gửi thì đây là khoản lãi vay lớn nhất hiện nay. Và nếu nhà nước áp dụng chính sách chống "đô la hoá" một cách kiên quyết, thì lãi suất tiền gửi đôla sẽ không giữ ở mức 3% như hiện nay, mà nó sẽ xuống chỉ còn 1%.


TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mục tiêu chính của NHNN là làm cho người đang gửi tiền bằng ngoại tệ từ ngân hàng không thích gửi tiền ngoại tệ nữa, mà sẽ chuyển sang gửi tiền đồng. Các NHTM không thích nhận tiền gửi ngoại tệ, cũng như không thích cho vay ngoại tệ. Còn các doanh nghiệp cũng sẽ không thích vay bằng ngoại tệ.


Nói tóm lại, mục tiêu của NHNN là sẽ làm cho thị trường cảm nhận rằng là đồng ngoại tệ đang dần bị loại bỏ ra khỏi hệ thống ngân hàng với tư cách là tài khoản tiền gửi và tiền cho vay và biến từ hoạt động vay mượn USD sang mua bán USD.


Thực sự, những biện pháp mà NHNN vừa công bố chỉ mang tính chất thăm dò trong một lộ trình "chống đô la hoá" chi tiết. Trong cuộc họp Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã nói "kiên quyết, kiên quyết xoá bỏ tình trạng đôla hoá". Điều này thể hiện ý chí rất lớn của Chính phủ đối với việc loại bỏ tình trạng này.


Đây là lần đầu tiên Chính phủ đặt vấn đề "chống đô la hoá" nghiêm túc, với một lộ trình rất rõ ràng với sự kết hợp đồng bộ giữa các biện pháp thị trường và hành chính.


Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, khi chúng ta áp dụng một loạt các biện pháp này thì phần lớn các doanh nghiệp cũng như các nhà đầu tư lớn họ đã thấy việc đầu cơ và găm giữ ngoại tệ cũng không có lợi nữa. Đặc biệt, đối với các ngân hàng nước ngoài huy động và thanh toán chủ yếu bằng ngoại tệ, khi lãi suất bị hạ xuống thấp như vậy, trong khi trạng thái ngoại hối cao là không còn có lợi.


Doanh nghiệp, ngân hàng, các nhà đầu tư lớn sẽ tránh găm giữ ngoại tệ, thay vào đó là bán ngoại tệ để đầu tư vào lĩnh vực khác. Cho nên, cung trên thị trường là khá phong phú cho dù cầu cũng là đang rất lớn.


Trong tình hình này thì các doanh nghiệp phải có sự lựa trọn tương đối khôn ngoan. Họ có thể thay đổi phương án nhập khẩu hay xuất khẩu và ngay cả các phương án tín dụng. Với các chính sách như hiện nay thì doanh nghiệp nhập khẩu đang ở trong thế vô cùng bất lợi, trước đây họ vay ngoại tệ để nhập khẩu còn giờ đây họ phải tính đến chuyện mua ngoại tệ để nhập khẩu, họ không thể cân đối ngoại tệ như các đơn vị xuất khẩu.


Nếu chúng ta trong tình trạng "đô la hoá" thì trong việc kinh doanh cả xuất và nhập sẽ bấp bênh hơn nhiều, nay thế này, mai lại thế khác. Lúc vay nội tệ, lúc vay ngoại tệ trong khi các ngân hàng không thể thay đổi nhanh như vậy được. Quan trọng là họ phải dùng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro hối đoái, thị trường hối đoái năm nay phải ổn định.


Nếu thị trường hối đoái tăng thì doanh nghiệp xuất khẩu lại gặp bất lợi còn doanh nghiệp nhập khẩu lại có lợi và nếu thị trường đi xuống thì ngược lại. Vì vậy, các doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp như mua công cụ kỳ hạn, hay quyền chọn để phòng ngừa rủi ro hối đoái.


Chúng ta nên phấn đấu trong vòng vài ba năm nữa sẽ loại bỏ hoàn toàn tiền gửi và tiền cho vay ra khỏi ngân hàng thì lúc đấy doanh nghiệp không cần phải băn khoăn nên vay đồng tiền nào.


TS. Lê Xuân Nghĩa nêu rõ, lãi suất ngoại tệ hiện đồng loạt giảm về dưới mức trần cho phép 3%/năm, tăng 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc và siết chặt cho vay ngoại tệ, được nhận định là sẽ có nhiều tác động tích cực lên mặt bằng lãi suất VND khi nhà đầu tư chuyển sang gửi tiết kiệm bằng đồng nội tệ.


Các chính sách được NHNN đưa ra mạnh mẽ như vậy là những động thái vô cùng đúng đắn. Ở đây, NHNN áp dụng đồng thời 2 giải pháp thị trường kết hợp với hành chính. Thứ nhất là các giải pháp liên quan đến thị trường - tạo ra 1 khuôn khổ lãi suất làm cho người dân cảm thấy việc gửi và vay bằng ngoại tệ đều không có lợi bằng nội tệ. Biện pháp chủ chốt là tăng dự trữ bắt buộc ngoại tệ lên, khiến cho các NHTM buộc phải hạ lãi suất tiền gửi ngoại tệ xuống, và tăng lãi suất cho vay ngoại tệ lên.


Bên cạnh đó, còn có các biện pháp mang tính hành chính như việc áp dụng trần lãi suất nhằm hỗ trợ cho các biện pháp thị trường. Đây là những bước đi đầu tiên nằm trong giai đoạn 1 của chương trình "chống đô la hoá" của chính phủ.


TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, chắc chắn lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ sẽ giảm, còn lãi suất cho vay thì ngày càng cao hơn. Đồng thời, các danh mục cho vay ngoại tệ càng ngày càng bị siết chặt. Nhưng nó sẽ có tác động hai chiều và sẽ làm cho tiền gửi và cho vay VND trong ngân hàng sẽ tăng lên, làm mặt bằng lãi suất VND bị giảm xuống.


Việc áp dụng lãi suất trần huy động USD cũng cho thấy Nhà nước kiên quyết giảm lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ xuống. Khi các NHTM có ý định lách trần, thì buộc cơ quan quản lý tăng dự trữ bắt buộc lên. Chúng ta sẽ sử dụng đồng thời 2 công cụ cùng một lúc, công cụ này hỗ trợ công cụ kia.


Sau một loạt các động thái của Chính phủ được đưa ra theo lộ trình chống "đô la hoá" thì doanh nghiệp nào vốn lợi dụng sự tăng cao của lãi suất tiền gửi ngoại tệ để găm giữ ngoại tệ thì nên ngay lập tức quyết định đường lối thích hợp mới cho mình, nếu không có thể sẽ trở tay không kịp.


Chính phủ sẽ áp dụng gay gắt đối với tài khoản trong ngân hàng của doanh nghiệp đó, nó sẽ bị coi là tài khoản không kỳ hạn hay có thể chịu lãi suất bằng 0 (trong khi thực tế thì lãi suất đang bằng 1%). Chính phủ tính toán sẽ đặt kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp trong năm nay sẽ dựa hoàn toàn vào đồng nội tệ.


TS. Lê Xuân Nghĩa dự đoán, trong đầu quí 3/2011 trở đi thì lãi suất cho vay và gửi VND sẽ giảm. Có 3 yếu tố chính tác động làm giảm lãi suất: lạm phát có chiều hướng giảm (dao động vào khoảng 12%/năm), đồng VND được đánh giá cao hơn đồng USD (lãi suất VND cao hơn USD), và có một khoản vốn được chuyển từ khu vực công sang khu vực tư.


Trong hơn 8 tỷ USD kiều hối, có một nửa là từ người lao động Việt Nam gửi về nước. Trong một nửa còn lại, có khoảng 2,5 tỷ USD là Việt kiều gửi về nước. Hai nguồn trên khá ổn định, không bị tác động quá nhiều về lãi suất tăng hay giảm.


Còn lại, số tiền từ nước ngoài vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất khoảng 1,5 tỷ USD. Đây là con số không quá nhiều. Ngoài ra, đây cũng không phải dòng tiền tích cực vì nó tạo ra rủi ro khi các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn ra, tạo áp lực rất lớn cho thanh khoản ngoại tệ của ngân hàng.


Hiện tại, tuy động thái của Chính phủ từ từ nhưng cũng phải làm cho các nhà đầu tư kiểu này phải tính đến việc rút dần và đầu tư theo hướng khác.

Theo tamnhin.net

TIN TỨC KHÁC

Copyright © 2018 PropertyX. All Right Reserved | Một thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh | Chính sách bảo mật thông tin