Hầm chui cho khu vực Tân Sơn Nhất
Để góp phần giảm kẹt xe tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh đề xuất xây hầm chui tại nút giao Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ cho hướng xe từ sân bay về trung tâm TP.HCM.
Sơ đồ bố trí hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Trỗi - Hoàng Văn Thụ
Ông Nguyễn Đình Trung, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, cho biết phương án này vừa được trình lên UBND TP.HCM và Sở GTVT TP. Bên cạnh đó, công ty cũng đề xuất mở rộng đường Trần Quốc Hoàn bằng cách dỡ bỏ dải phân cách cây xanh (có chiều rộng 3m), tái lập mặt đường để tăng thêm một làn xe nhằm tăng khả năng lưu thông của tuyến đường.
Đường hầm một chiều
* Công ty Hưng Thịnh chỉ đề xuất làm đường hầm một chiều hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP, vì sao không làm hai chiều?
- Hiện nay xe lưu thông hướng từ sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TP khi đến đường Trần Quốc Hoàn đã kẹt xe. Đoạn thứ hai kẹt là từ đường Trần Quốc Hoàn quẹo qua đường Hoàng Văn Thụ do vướng cầu vượt nên làn đường rất hẹp, khúc cua góc công viên Hoàng Văn Thụ nhỏ hơn 90 độ nên xe dồn ứ, gây kẹt xe ở đó. Rõ ràng việc vòng qua công viên Hoàng Văn Thụ gây cản trở giao thông, nên phương án làm đường hầm thẳng từ sân bay ra đường Nguyễn Văn Trỗi là hợp lý nhất.
Trong khi đó, dòng xe từ đường Nguyễn Văn Trỗi băng qua giao lộ Hoàng Văn Thụ để vào sân bay thì làn đường ở đây rộng. Khi xe lưu thông đến đường Trường Sơn thì bị cắt đoạn cho xe quay đầu gây nên tình trạng kẹt xe, tuy nhiên chỉ cần nghiên cứu điều chỉnh việc xe quay đầu sao cho hợp lý để hướng xe vào sân bay được lưu thông tốt. Do đó nếu làm luôn đường hầm theo hướng vào sân bay thì không cần thiết.
* Vì sao lại xây hầm chui mà không phải là cầu vượt, thưa ông?
- Làm đường hầm thì kinh phí sẽ cao hơn so với cầu vượt. Tuy nhiên, nếu làm cầu vượt ở khu vực này sẽ gây ảnh hưởng đến cảnh quan của công viên Hoàng Văn Thụ. Có thể nói làm đường hầm là bài toán ít chặt bỏ cây xanh và xâm phạm đến cảnh quan công viên nhất. Về lâu dài, đường hầm này có thể là điểm đấu nối với bãi đậu xe ngầm (dưới công viên Hoàng Văn Thụ) nếu thật sự cần đầu tư.
* Hưng Thịnh đề xuất dẹp dải cây xanh trên đường Trần Quốc Hoàn, trong khi Sở GTVT TP.HCM có dự án sẽ giải tỏa một phần nhà ở góc đường Trần Quốc Hoàn để giảm kẹt xe. Theo ông, phương án nào tốt hơn?
- Theo tôi, phương án giải tỏa dải phân cách cây xanh trên đường Trần Quốc Hoàn có thể làm ngay vì không cần đền bù. Nếu bỏ dải phân cách cây xanh này, tôi tin chắc sẽ giảm kẹt xe do sức chứa lòng đường tăng lên. Tôi cho rằng nếu là đường hai chiều thì dải phân cách cây xanh có giá trị, còn ở đây là đường một chiều thì việc bỏ dải phân cách này rất thuận lợi và chỉ thi công trong một tháng là xong, cây xanh thì dời lên vỉa hè.
* Để làm hầm chui, công ty ông dự tính đầu tư 370 tỉ đồng. Khả năng hoàn vốn cho dự án này ra sao?
- Đường hầm dài 785m (hầm kín 485m và hầm hở 300m), rộng 2 làn xe, sẽ cho xe lưu thông từ đường Phan Đình Giót băng qua giao lộ Hoàng Văn Thụ về Nguyễn Văn Trỗi vào trung tâm TP. Con số tổng kinh phí đầu tư khoảng 370 tỉ đồng chỉ là chi phí ước tính, dự toán thực tế có thể sẽ thấp hơn. Nếu ý tưởng này không ảnh hưởng tới quy hoạch tuyến ngầm metro và các dự án khác cũng như được TP đồng ý, chúng tôi sẽ ứng vốn đầu tư theo hình thức BT (đầu tư, chuyển giao) và đổi lại TP sẽ giao đất để Hưng Thịnh đầu tư thu hồi vốn.
Tổ chức lại giao thông
* Ông còn có đề xuất gì thêm để góp phần giảm kẹt xe ở TP.HCM?
- Hiện nay, tôi thấy tổ chức giao thông ở một số nơi chưa phù hợp. Ví dụ: đường Trần Quốc Thảo (Q.3) có đoạn trước đây cho lưu thông hai chiều, sau đó một chiều, rồi lại cho hai chiều nhưng chiều ngược lại chỉ cho xe máy lưu thông. Theo tôi, nên cho thêm ôtô dưới 9 chỗ lưu thông để giảm áp lực cho đường Trương Định và đường Lê Quý Đôn.
Đoạn Cao Thắng từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến Điện Biên Phủ nên cho xe hơi chạy hai chiều sẽ giảm áp lực cho đoạn Nguyễn Đình Chiểu - Lý Thái Tổ - bùng binh Lý Thái Tổ.
Hay đoạn quốc lộ 13 ở cổng bến xe Miền Đông, theo tôi, nên gắn đèn tín hiệu cho xe từ bên trong bến đi ra quốc lộ để đảm bảo an toàn giao thông, thay vì cho xe ra tự nhiên gây nên tình trạng lộn xộn trên đoạn đường đó. Đồng thời nên cho phép lưu thông hai chiều trên hẻm 153 nằm bên hông bến xe Miền Đông, thay vì hiện nay chỉ cho lưu thông một chiều.
Thêm nữa, hiện nay đường Phạm Văn Đồng đã chia sẻ được phần nào lượng xe lưu thông cho đường Đinh Bộ Lĩnh hướng đi vào, đoạn Đinh Bộ Lĩnh từ Nguyễn Xí đến Bạch Đằng lại cho xe lưu thông một chiều thì rất lãng phí vì mặt đường rộng. Do đó nên phân bổ thêm một làn cho xe máy chạy ở chiều ngược lại từ Bạch Đằng về Nguyễn Xí và lắp dải phân cách đứt đoạn. Điều này sẽ giúp hàng nghìn dân ở khu vực này không cần đi vòng qua đường Xô Viết Nghệ Tĩnh rồi quẹo lại đường Đinh Bộ Lĩnh, như vậy sẽ góp phần giảm kẹt xe cho đường Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ông Lâm Thiếu Quân (chuyên gia về giao thông):
Tạo hướng ra cho xe từ sân bay
Khi thực hiện các dự án xây dựng các công trình để xóa kẹt xe cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, điều lo ngại là sẽ đẩy kẹt xe từ chỗ này ra chỗ khác vì hiện nay đường sá chỗ nào cũng đông đúc xe cộ. Thêm vào đó, nếu sắp tới xây dựng những công trình tại khu vực sân bay chắc chắn khó tránh khỏi kẹt xe ở khu vực này trong thời gian thi công.
Hiện nay, hướng xe lưu thông từ sân bay Tân Sơn Nhất ra đến nút giao thông Lăng Cha Cả (Q.Tân Bình) thường xuyên bị kẹt xe. Chính vì hướng từ sân bay ra đã bị kẹt nên gây thêm kẹt xe cho hướng vào sân bay. Vấn đề chính là làm sao xây dựng những công trình tạo hướng ra cho xe từ sân bay Tân Sơn Nhất, đồng thời có biện pháp hạn chế ôtô lưu thông vào sân bay. Nên chăng tổ chức thu phí ôtô trên các tuyến đường đến sân bay, khi đó các xe không có nhu cầu đi vào sân bay sẽ tìm hướng đi khác.
Theo tuoitre.vn