Dòng tiền chảy sang bất động sản
Ông Trần Như Trung - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấncủa Savills đã công bố một khảo sát cho thấy nếu như quý IV/2010, kênh đầu tư ưa thích nhất là vàng thì tới quý I/2011 bất động sản mới trở thành sự lựa chọn số một. Theo báo cáo mới nhất về kết quả nghiên cứu thị trường Hà Nội của Công ty Savills Việt Nam quý I/2011, giá biệt thự, nhà liền kề tiếp tục tăng so với quý trước và biến động trên hầu hết các quận Hà Nội.
Savills cũng khẳng định, mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến thị trường BĐS nhưng đây vẫn là kênh hấp dẫn nhà đầu tư bởi theo điều tra, dòng tiền chảy vào thị trường này vẫn chiếm phần lớn. Nhận định này cũng trùng khớp với đánh giá, ghi nhận của CBRE về việc dòng tiền gặp khó ở thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán sẽ chảy sang bất động sản vừa công bố.
Ông Trần Như Trung - Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills đã công bố một khảo sát cho thấy nếu như quý IV/2010, kênh đầu tư ưa thích nhất là vàng thì tới quý I/2011 bất động sản mới trở thành sự lựa chọn số một và điều này thể hiện rõ qua số lượng các giao dịch được ghi nhận trên thị trường cũng như diễn biến các cơn sốt đất đang nổi lên ở vùng ven Hà Nội thời gian gần đây.
Giá biệt thự, liền kề tiếp tục tăng
Theo Savills, giá biệt thự, nhà liền kề tiếp tục tăng tại tất cả các khu vực ở Hà Nội. Theo đó, Từ Liêm, Cầu Giấy và Tây Hồ dẫn đầu với mức giá chào thứ cấp xấp xỉ 130 triệu đồng/m2. Khu vực xa trung tâm thành phố là Mê Linh và Quốc Oai có giá dao động từ 16 – 26 triệu đồng/m2.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng có tác động lớn đến giá biệt thự, nhà liền kề. Quận Long Biên, Hoàng Mai và Gia Lâm là những ví dụ điển hình trong quý này với giá chào tăng hơn 20% đối với biệt thự và 15% đối với nhà liền kề. Tuy nhiên, nguồn cầu biệt thự, nhà liền kề được dự báo có thể bị ảnh hưởng do lãi suất cao ở mức xấp xỉ từ 20 đến 21%/ năm và do chính sách thắt chặt tín dụng ở hầu hết các ngân hàng trong năm 2011.
Savills ước tính, trong trung hạn có khoảng 60 dự án biệt thự, nhà liền kề sẽ có mặt trên thị trường, với tổng diện tích khoảng 4.500 ha.
Số lượng biệt thự, nhà liền kề tính theo quận (Nguồn: Nghiên cứu và tư vấn Savills)
Về thị trường khách sạn, hiện có hơn 7.000 phòng được cung cấp bởi 11 khách sạn 5 sao, 10 khách sạn 4 sao và 26 khách sạn 3 sao.
Doanh thu bình quân trên phòng trên toàn thị trường giảm 13% so với quý trước do công suất và giá phòng thuê trung bình đều giảm trên tất cả các hạng. Doanh thu theo mỗi phòng tại các khách sạn 5 sao giảm nhiều nhất, 17%, tiếp theo đó là khách sạn 4 sao giảm 13% và 3 sao giảm 12%. Tình hình lạm phát, biến động lãi suất ngân hàng và sự mất giá của Việt Nam Đồng đã có ảnh hưởng xấu đến nguồn cầu trong nước đầu năm 2011.
Trong số 7 quận có nguồn cung khách sạn tương lai của thành phố, Từ Liêm đứng đầu về số phòng, chiếm 48% tổng nguồn cung. Tám trong số 9 dự án tại quận này là các khách sạn 5 sao. Quận Ba Đình đứng thứ 2 với 14% thị phần, tiếp theo là quận Đống Đa với 11%.
Ba dự án dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2011 bao gồm Hotel De Opera, Oriental Pearl và một khách sạn trên phố Nguyên Thượng Hiền, cung cấp cho thị trường gần 260 phòng. Trong tương lai, Hà Nội có 43 dự án khách sạn, trong đó 29 dự án ước tính cung cấp cho thị trường hơn 7.000 phòng.
Mặt bằng bán lẻ, văn phòng: Nguồn cung tăng mạnh
Tổng diện tích bán lẻ của thị trường Hà Nội đạt khoảng 440.000 m2, tăng 17% so với năm ngoái, chủ yếu là các siêu thị điện máy và trung tâm mua sắm ở các quận ngoại thành. Trong quý cũng xuất hiện 8 dự án mới gồm ba siêu thị điện máy và năm siêu thị mới cập nhật nằm ngoài khu vực trung tâm bao gồm quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm. Đây là những khu vực mới đang phát triển với tốc độ tăng dân số nhanh.
Công suất thuê trung bình của thị trường bán lẻ Hà Nội đạt khoảng 92%, giảm nhẹ 1% so với quý trước. Hoạt động thị trường của các dự án bán lẻ tại khu vực trung tâm thành phố tốt hơn so với khu vực ngoài trung tâm. Tất cả dự án bán lẻ tại trung tâm đều đạt công suât thuê 100%.
Trong quý I/2011, tổng doanh thu bán lẻ hàng tiêu dùng và dịch vụ tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều cho thấy doanh số bán lẻ trong quý I/2011 là khá tốt.
Trong 4 năm tới, dự kiến sẽ có gần 1,2 triệu m2 diện tích bán lẻ từ khoảng 100 dự án gia nhập thị trường bán lẻ Hà Nội. Một số dự án bán lẻ tương lai có quy mô lớn ở khu vực ngoài trung tâm thành phố có thể tác động đến nguồn cung và tình hình hoạt động thị trường bán lẻ trong các năm tới.
Nguồn cung tương lai của thị trường bán lẻ (Nguồn: Nghiên cứu và tư vấn Savills)
Đối với thị trường văn phòng, tổng diện tích là hơn 760.000 m2, tăng 2% so với quý trước và tăng 27% so với cùng kì năm ngoái. Các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy và Đống Đa vẫn là những nguồn cung chính cho thị trường văn phòng, chiếm 67% tổng nguồn cung của thị trường Hà Nội. Cầu Giấy vẫn là quận có tốc độ tăng trưởng diện tích văn phòng cao nhất, với tốc độ tăng khoảng 130% so với cùng kì năm trước.
Do có kỳ nghỉ Tết nguyên đán, diện tích văn phòng cho thuê thêm giảm mạnh, 63% so với quý trước. Tổng diện tích cho thuê thêm đạt gần 19.000m2. Trong đó, văn phòng hạng C tiếp tục giữ thị phần lớn nhất với diện tích đạt gần 9.300 m2 chiếm 49%.
Trong 3 năm tới, gần 1,2 triệu m2 diện tích văn phòng cho thuê từ khoảng 90 dự án dự kiến sẽ gia nhập thị trường. Trong các quý còn lại năm 2011, gần 200.000 m2 từ 24 dự án dự kiến gia nhập thị trường, trong đó có một số dự án có diện tích văn phòng cho thuê trên 10.000 m2.
Căn hộ dịch vụ không còn 'thơm'
Trong quý 1/2011, không có tòa nhà căn hộ dịch vụ mới nào đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nguồn cung mới đến từ các tòa nhà hạng A bao gồm 14 căn hộ studio thuộc dự án Fraser Suites Hà Nội và 12 căn hộ thuộc dự án Sedona Suites. Tổng nguồn cung hiện tại là 2.266 căn hộ thuộc 40 dự án.
Công suất thuê của toàn thị trường quý I/2011 giảm khoảng 2% xuống 89%, mức thấp nhất trong vòng 5 quý gần đây. Tuy nhiên, giá thuê trung bình ước tính tăng 4%, đạt mức 27,5 USD/m2/tháng. Giá thuê trung bình của hạng A tăng mạnh nhất là 6% so với quý IV/2010. Giá thuê trung bình của hạng B hầu như không thay đổi, tăng nhẹ 0,1%. Giá thuê trung bình của hạng C tăng 2%.
Theo nhận định, động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu căn hộ dịch vụ Hà Nội trong tương lai gần do chuyên gia Nhật Bản là đối tượng khách thuê chính của các tòa nhà căn hộ dịch vụ tại Hà Nội. Nhu cầu cho căn hộ dịch vụ, đặc biệt đối với hạng C sẽ bị tác động bới nguồn cung ngày càng tăng từ các tòa nhà căn hộ cho thuê loại nhỏ của tư nhân có giá thuê mềm hơn và linh hoạt hơn. Ngoài ra, sẽ có cạnh tranh dài hạn đến từ các dự án khách sạn với số lượng phòng lớn đi vào hoạt động.
Trong tương lai có 33 dự án, trong đó 13 dự án sẽ cung cấp trên 2.600 căn hộ, 20 dự án còn lại cũng sẽ cung cấp một số lượng căn hộ đáng kể. Trong quý II/2011, 136 căn hộ thuộc dự án Crowne Plaza sẽ đi vào hoạt động.
Giá chào bán thứ cấp trung bình theo quận trong quý I/2011 (Nguồn: Nghiên cứu và tư vấn Savills)
Đối với thị trường căn hộ để bán, hiện có 20 dự án đang bán, cung cấp cho thị trường sơ cấp khoảng 8.800 căn hộ, gần gấp đôi số lượng căn hộ của quý IV/2010. Trong đó, phần lớn là từ các dự án hạng B, chiếm 70% tổng nguồn cung sơ cấp.
Thị trường sơ cấp quận Thanh Xuân có thêm nguồn cung mới từ bốn dự án với 5.200 căn hộ, đưa Thanh Xuân thành quận có nguồn cung lớn nhất, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung sơ cấp tại Hà Nội. Thị trường thứ cấp quý I/2011 có thêm khoảng 4.800 nguồn cung mới. Tổng nguồn cung thứ cấp là 44.000 căn, tăng 12% so với quý trước.
Trong 3 quý còn lại năm 2011, khoảng 21.000 căn hộ thuộc 35 dự án sẽ gia nhập thị trường sơ cấp, trong đó Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàng Mai và Thanh Xuân có số lượng dự án nhiều nhất, chiếm 70% tổng số dự án.
Nguồn: 24h.com.vn