Đô thị 15 phút cho thị dân “quản xa gần”

TTCT - Mô hình đô thị mà người dân có thể thỏa mãn mọi nhu cầu thiết yếu bằng cách đi bộ hoặc đạp xe không quá 15-20 phút có thể là một giải pháp cho tương lai hậu COVID-19, khi những người đã quen ở nhà trong thời đại dịch muốn di chuyển ít nhất có thể khi phải bắt đầu tình trạng bình thường mới.

 


Phác họa Mô hình "thành phố 1/4 giờ" của Micaël Dessin/Paris en Commun

 

Ý tưởng “thành phố 15 phút” đã có từ 15-20 năm trước, dựa trên nghiên cứu về việc các cư dân thị thành có thể tổ chức lại thời khóa biểu sống để cải thiện môi trường và điều kiện sống tốt hơn, theo trang Axios.

Nhiều triết lý quy hoạch khác nhau, bao gồm chủ nghĩa đô thị mới, trước đó cũng thúc đẩy sự phát triển dày đặc hơn, có thể đi bộ được và đưa mọi thứ gần nhau hơn. Song “đô thị 15 phút” gần đây nổi lên như một giải pháp ngắn gọn và hấp dẫn nhất để phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Tiện nghi trong tầm với

Mới cách đây vài tháng, con phố Rue de Rivoli ở Paris vẫn liên tục xảy ra kẹt xe, đầy mùi xăng dầu và ngập tiếng còi xe, còn bây giờ lại là một lối đi êm ả cho người đi bộ và xe đạp. “Con đường này là hiện thân của đô thị trong tương lai, là thứ mà thị trưởng Anne Hidalgo mô tả là thành phố 15 phút” - trang Intelligencer viết.

Trong tầm nhìn của thị trưởng Hidalgo, người Paris không cần phải di chuyển hơn 15 phút đi bộ hay xe đạp để làm việc, mua sắm, giải quyết công việc với các cơ quan nhà nước. Để làm điều đó, cần “tống” xe hơi ra khỏi các con phố, đồng thời tăng tiện ích ở các khu dân cư để giảm nhu cầu phải di chuyển bằng ôtô.

Khi được bầu làm thị trưởng, Hidalgo đã thúc đẩy chương trình “Hơi thở Paris” mạnh hơn nữa trong thời kỳ cách ly, biến nhiều đường sá thành những “đường piste corona”, thân thiện với người đi xe đạp; cắt giảm các lộ trình không cần thiết; giảm sự hiện diện của ôtô trên đường phố.

Bà cũng đã cấm giao thông trong các khu vực dọc sông Seine và dọc đại lộ Champs-Élysées vào một số ngày chủ nhật.

Người tư vấn khái niệm “thành phố 15 phút” cho thị trưởng Paris là Carlos Moreno, giáo sư Đại học Sorbonne. Theo ông Moreno, một trong những bài học đầu tiên từ COVID-19 là chúng ta có thể thay đổi hoàn toàn thói quen làm việc của mình.

“Sự chuyển đổi hàng loạt sang làm việc tại nhà, hoặc sống tại nơi làm việc đột nhiên khiến chuyện tốn hàng tiếng đồng hồ di chuyển đến chỗ làm trở nên vô lý và lãng phí thời gian” - ông nói.

Từ đó, Moreno phát triển khái niệm “thành phố một phần tư giờ”, hướng đến việc giải quyết nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân phố thị bằng các cơ sở hạ tầng nằm trong bán kính 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp, nhờ đó mà việc di chuyển từ nhà đến cơ quan, nhà riêng, cửa hàng, tiện nghi giải trí, giáo dục và chăm sóc sức khỏe sẽ chỉ gói gọn trong thời gian chờ một chuyến tàu điện.

Moreno cho rằng để đạt được sự đồng điệu tốt hơn với nơi đang sống, chúng ta cần phát triển các dịch vụ đa năng, chẳng hạn một tòa nhà với nhiều ứng dụng khác nhau, chẳng hạn sử dụng trường học cho các hoạt động khác vào cuối tuần.

“Chúng tôi cũng muốn các tòa nhà kết hợp nơi ở và làm việc cùng một lúc - điều này giúp giảm thời gian đi lại. Mục đích không phải là tạo ra một ngôi làng, mà là sắp xếp tổ chức đô thị một cách tốt hơn” - ông nói.

Trong tài liệu vạch ra kế hoạch phục hồi các đô thị sau COVID-19 đưa ra hồi tháng 7, C40 Cities, liên minh của lãnh đạo gần 100 đô thị lớn trên thế giới, khẳng định đầu tư tăng tính chống chọi của các thành phố là cách tốt nhất để tránh thảm họa kinh tế sau đại dịch.

Nhiều cách làm

C40 Cities đưa ra nhiều khuyến nghị, trong đó có việc “cư dân cần được sống trong các đô thị 15 phút”, đồng điệu với tham vọng của thị trưởng Paris Hidalgo.

Trên thực tế, các thành phố như Buenos Aires đã giới thiệu chương trình cho thuê xe đạp miễn phí cho cả người dân và khách du lịch. Tổ chức thúc đẩy việc đi bộ và đạp xe Sustrans (Anh) phát triển “Mạng lưới xe đạp quốc gia”, khuyến khích áp dụng “nguyên tắc khu phố 20 phút” bằng cách kết nối các con đường và tuyến đường trên toàn Vương quốc Anh để đi bộ, đạp xe và khám phá ngoài trời.

 


Khu đô thị La Défense (Pháp). Ảnh: Shutterstock


Daisy Narayanan, giám đốc đô thị của Sustrans Scotland, nói với tờ Financial Times: “Chúng ta đã tạo ra một cuộc sống xung quanh phương tiện cơ giới quá nhiều. Mọi người nói Scotland sẽ không bao giờ có thể trở thành quốc gia đi xe đạp do trời quá gió hoặc quá nhiều đồi núi hoặc quá mưa. Nhưng điều đó không đúng, người dân đang đạp xe nhiều hơn vì mật độ giao thông ít hơn”.

“Nguyên tắc 20 phút” mà Sustrans đang vận động “cung cấp cho mọi người tùy chọn để đáp ứng nhu cầu của họ trong vòng 20 phút đi bộ hoặc đạp xe. Trong thời COVID-19, chúng ta đã được trải nghiệm điều đó.

Không phải mọi thứ cần diễn ra trong vòng 20 phút và bạn bị mắc kẹt trong đó, mà là cố gắng đảm bảo mọi người không phải lấy xe hơi ra đường chỉ để mua một ít sữa. Tóm lại, “nguyên tắc 20 phút” không giới hạn chúng ta, mà nó cắt bớt đi một số hành trình không cần thiết, mở ra một thế giới dễ tiếp cận hơn.

Khó nhân rộng?

Dù khái niệm “đô thị 15 phút” được quảng bá hấp dẫn đến đâu, các thị dân cũng khó tránh khỏi sự nhàm chán với khung cảnh lặp đi lặp lại mỗi ngày. Bên cạnh đó, không phải ai cũng được lựa chọn ngành nghề yêu thích phù hợp gần nhà hay có một ngôi nhà có thể làm văn phòng lâu dài.

Chuyên gia phân tích nhà ở và quy hoạch Anthony Breach cho rằng những gì Hidalgo đang làm ở Paris thú vị, nhưng ông tin rằng nguyên tắc 15 phút sẽ đi ngược lại với những hiểu biết của chúng ta về cuộc sống thành phố, rằng “người lao động muốn làm việc ở những nơi có giá trị đất đai cao và sống ở nơi có giá trị đất đai rẻ hơn”.

Mặc dù không quá nghiêm ngặt trong việc giới hạn di chuyển ở phạm vi 15 phút, tìm được công việc trong khoảng cách này dường như vẫn có nhiều vấn đề đáng bàn. Hơn nữa, mô hình này có phần giới hạn ở các khu giải trí giàu có hoặc các khu phố chính mới quy hoạch.

Nếu Paris có thể thành hình mẫu của “thành phố 15 phút”, Breach lại chọn London để đưa ra nhận định tương phản: thủ đô nước Anh là một thành phố đầy quyền lực bởi lực lượng lao động chuyên môn có tay nghề cao ở gần nhau về mặt địa lý, chứ không hẳn là do những tiến bộ về mặt công nghệ kỹ thuật số.

“Có những phẩm chất đặc biệt khi trao đổi thông tin trực tiếp mà các cuộc gọi video không thể tái tạo. Chúng ta có thể quan sát nhu cầu đó từ mức giá mà mọi người sẵn sàng trả để sống và làm việc ở London. Có nghĩa là có điều gì đó về trung tâm thành phố và những lợi ích vô hình của nó” - Breach nói trên Financial Times.

Sự chuyển dịch dài hạn sang làm việc từ xa có thể mở rộng các “đô thị 15 phút” vì rất nhiều công ty cũng đang tìm kiếm văn phòng chi nhánh nhỏ hơn, phân tán hơn gần nơi có nhiều nhân viên sinh sống.

Marshall, nhà kinh tế học thế kỷ 19, đã đặt vấn đề tại sao các công ty từ các ngành tương tự có xu hướng tập hợp lại với nhau về mặt địa lý. Ông kết luận rằng sự gần gũi với các đối thủ cạnh tranh mang đến nhiều lợi ích hơn là đe dọa vì các kết nối và thông tin được chia sẻ tạo ra một nguồn ý tưởng mới có giá trị.

Trong lịch sử, với việc phát minh ra điện báo, điện thoại, Internet..., mỗi khi có tiến bộ công nghệ thì mọi người dự đoán tất cả chúng ta sẽ có thể làm việc ở nông thôn. Nhưng sức hấp dẫn của các trung tâm thành phố chỉ có tăng lên chứ không hề giảm xuống.

 

Theo trang Axios, việc tập hợp các cửa hàng thực phẩm, phòng khám của bác sĩ, trường học, hiệu thuốc, ngân hàng, văn phòng quy mô nhỏ hơn và các địa điểm để giải trí gần gũi với cư dân đô thị một cách chiến lược có thể thu nhỏ mạng lưới các dịch vụ thiết yếu trong các khu dân cư đang có nhu cầu cao. Song song đó, việc tạo ra nhiều dịch vụ trong tầm di chuyển ngắn cũng giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

 

Theo tuoitre.vn

 

TIN TỨC KHÁC

Copyright © 2018 PropertyX. All Right Reserved | Một thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh | Chính sách bảo mật thông tin