Dấu ấn Việt tại nước ngoài năm 2010
Đóng góp nổi bật về văn hóa-xã hội
Ngày 19/8/2010, cả thế giới biết đến đất nước Việt Nam khi giáo sư Ngô Bảo Châu được Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patin trao giải thưởng Fields cho công trình chứng minh “ Bổ đề cơ bản”. Giải thưởng Fields được trao 4 năm một lần cho những nhà toán học dưới 40 tuổi vào năm trao giải. Giải thưởng là sự công nhận và hỗ trợ các nhà toán học trẻ đã có những đóng góp quan trọng cho toán học. Đây là lần đầu tiên giải thưởng này được trao cho một người Việt Nam.
Giáo sư Ngô Bảo Châu và giải thưởng Fields.
Đại sứ Việt Nam tại Đức Đỗ Hòa Bình, chị Lê Thanh Hương trong buổi lễ vinh danh tại tòa thị chính thành phố Wernigerode, ngày 8/12. Ảnh: nguoiviet.de
Chị Lê Thanh Hương Trute là người gốc Hà Nội; tới CHLB Đức vào những năm đầu 1980 để học ĐH. Sau khi tốt nghiệp và ổn định ở xứ người, chị kết hôn với một người Đức. Đầu những năm 2000, chị bắt đầu mở nhà hàng Orchidea HUONG với cách bài trí thuần Việt từ bộ bàn ghế, bức tranh trang trí hay các bức tượng, đồ gốm sứ..., và thực đơn 90% là món ăn Việt. Hiện, nhà hàng của chị không chỉ là địa chỉ quen thuộc với người bản địa và du khách quốc tế lui tới để thưởng thức các món ăn ngon, mà còn là nơi quảng bá bản sắc văn hóa Việt tới người phương Tây, từ đó giúp họ hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Khác với chị Hương Trute, nữ kiều bào Kim Thúy lại được thế giới công nhận nhờ các tác phẩm văn học. Tháng 11/2010, The Governor General’s Literary Awards, một giải thưởng văn học danh giá của Canada đã vinh danh nhà văn gốc ViệtKim Thúy.
Nữ nhà văn Kim Thúy.
Cũng thành công trong lĩnh vực văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh, nghệ sĩ dương cầm cổ điển người Việt từng được tạp chí âm nhạc Musical America bình chọn là một trong 19 ngôi sao dương cầm trẻ tuổi, tài năng. Nghệ sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh đã lưu diễn khắp thế giới, như: Mỹ, Đức, Hungary, Thụy Sĩ, Úc, Pháp… và nhận được nhiều giải thưởng danh giá như: Artist International Presentation, Bellflower Orchestra, the Artists of Tomorrow Competition of the Brentwood-Westwood Symphony Orchestra và International Piano Concerto ở San Francisco. Cô từng độc tấu với các giàn nhạc giao hưởng San Francisco, Westwood và Bellflower (Mỹ) và Hà Nội (Việt Nam) cùng một số dàn nhạc giao hưởng khác ở Paris.
Tờ Boston Globe nhận xét Nguyễn Thúy Quỳnh là một nghệ sĩ tài năng, có khả năng tiết chế âm thanh, nét nhạc sang trọng. Ảnh: Theo thuyquynh.com
Tuy không giành được giải thưởng đặc biệt nào nhưng Nguyen Thi Kim Huong, biên dịch viên tại một văn phòng luật ở Hàn Quốc, vẫn được nhiều người biết đến nhờ sự tận tình và sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Cô được báo chí Hàn Quốc mệnh danh là “Vị cứu tinh” của các cô dâu ngoại. Trong khoảng 30.000 phụ nữ Việt Nam tới Hàn Quốc sau khi lấy chồng, Nguyen Thi Kim Huong đã trở thành người cố vấn và hướng dẫn tận tình cho họ. Kim Huong tới Hàn Quốc từ 16 năm trước sau khi lấy chồng Hàn Quốc. Cô làm biên dịch viên tại một văn phòng luật, nhưng thời gian rảnh rỗi Huong dùng hết cho công việc tư vấn cho những cô dâu ngoại. “Tôi gặp hàng chục phụ nữ mỗi tuần để tư vấn cho họ, thậm chí tôi còn tư vấn qua điện thoại, ngay cả lúc nửa đêm”, cô cho biết.
Kim Huong đang tư vấn cho một cô dâu ngoại. Ảnh: Chosun
Thành công trên con đường chính trị
Năm vừa qua cũng đánh dấu nhiều bước tiến của người Việt trên chính trường nước Mỹ. Đầu tháng 12, kiều bào sinh sống tại Mỹ đón nhận tin vui khi Thị trưởng San Jose chính thức đề cử nữ nghị viện Madison Nguyễn vào chức vụ Phó Thị trưởng thành phố San Jose (bang California) từ tháng 1/2011. Báo giới Mỹ từng đánh giá: “Nữ nghị viên gốc Việt Madison Nguyễn là ngôi sao đang lên trên chính trường Mỹ.
Ở người phụ nữ này, người ta luôn thấy sức mạnh, sự tự tin và toát ra cảm giác rằng không gì có thể đe doạ được và dường như cô được sinh ra để làm chính trị”. Khi Nguyễn nhận nhiệm sở tại Hội đồng thành phố San Jose, cô trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên trong hội đồng gồm 10 thành viên này và cũng là người Mỹ gốc Việt đầu tiên trúng cử ở California.
Bà Madison Nguyễn.
Đầu tháng 11 vừa qua, nữ luật sư gốc Việt Cindy Truong đã giành chiến thắng trong cuộc tranh cử vị trí tân Chánh án quận hạt Oklahoma, trở thành vị thẩm phán dân cử gốc Việt đầu tiên tại một tiểu bang miền Nam nước Mỹ. Chiến thắng của luật sư Cindy Truong, 35 tuổi, là sự kiện quan trọng nhất trong chiến dịch mang tên “câu chuyện thành công ở Oklahoma” của một phụ nữ Việt Nam nhỏ bé.
Luật sư Cindy Truong.
Góp phần làm rạng danh người Việt trên đất Mỹ, ông David Dương, một doanh nhân gốc Việt, đã được Tổng thống Barack Obama bầu làm ủy viên Quỹ Tài trợ giáo dục Việt Nam (Vietnam Education Foundation - VEF), một tổ chức độc lập do Quốc hội Mỹ lập và được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ, có sứ mệnh thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt Nam thông qua giao lưu giáo dục trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. VEF được điều hành bởi một ban giám đốc, gồm các thành viên nội các, nghị sĩ liên bang và những người do Tổng thống Mỹ chỉ định.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bổ nhiệm ông David Dương làm ủy viên Quỹ Tài trợ giáo dục Việt Nam. Ảnh: Internet
Trước khi thành lập Công ty California Waste Solutions, David Dương hoạt động như một tổng quản lý và giám đốc kinh doanh cho một hãng tái chế và xử lý chất thải rắn của Mỹ. Ông còn là ủy viên của Hiệp hội Tái chế và xử lý chất thải của thành phố Oakland, ủy viên Hội Doanh thương quốc tế của Oakland, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều tại Mỹ, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại thung lũng Silicon và là một thành viên của Hiệp hội Thương mại châu Á - Thái Bình Dương Sacramento.
Thanh niên gốc Việt tỏa sáng
Không kém cạnh các “bậc tiền bối”, giới trẻ gốc Việt sinh sống tại nước ngoài cũng đạt rất nhiều thành công trong năm “con hổ”.
Về thành tích học tập, không thể không nhắc tới một chàng trai người Việt từng mù chữ và tàn tật khi mới đến Australia đã được vinh danh là học sinh quốc tế của năm ở Queensland, một trong những giải thưởng giáo dục danh giá nhất của xứ sở kagaroo. Chàng trai 21 tuổi đó tên là K'Chin, sinh ra tại một ngôi làng vùng sâu vùng xa gần Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Khi được khoảng một tuổi, K’Chin gặp phải chấn thương chân nghiêm trọng nhưng không được chữa trị kịp thời. Và cậu bé K’Chin chỉ sử dụng được một chân cho đến năm 13 tuổi. Cơ sở y tế ở Việt Nam không đủ điều kiện cần thiết để tiến hành phẫu thuật cho K’Chin vì vậy những người tình nguyện Australia đã đưa cậu bé tới Queensland năm 2002. Đầu tiên các bác sĩ điều trị chứng suy dinh dưỡng cho K’Chin trước khi bắt đầu 16 ca phẫu thuật chính liên tiếp.
Hình ảnh mới nhất của K'Chin khi được vinh danh tại Queensland. Ảnh: ABC news
Không chỉ được biết đến nhờ khả năng học tập tốt, thanh niên kiều bào Việt còn được thế giới công nhận về sắc đẹp. Điển hình là mới đây, Natalie Tran, “Nữ hoàng Youtube Australia” gốc Việt lần đầu tiên được Independent Critic lựa chọn vào top 100 gương mặt đẹp nhất thế giới 2010 với vị trí thứ 88.
Natalie Tran tên thật là Trần Đình Tố Hân, là một nữ sinh viên sống tại Sydney, Australia. Cô gái gốc Việt, 24 tuổi, được giới truyền thông đất nước chuột túi ban tặng cho biệt danh “Nữ hoàng YouTube của Australia”. Chỉ trong hai năm, các chương trình của Tố Hân trên Youtube.com đã thu hút được 64 triệu người xem. Trang web riêng của cô đã có hơn 150.000 người xin “đăng ký thành viên”. Thành tích này đã giúp Tố Hân đứng đầu nước Australia và đứng hàng thứ 7 trên toàn thế giới.
Natalie Tran được lọt vào danh sách 100 gương mặt đẹp nhất thế giới.
Trong năm vừa qua, cộng đồng người Việt ở Đức rất tự hào trước thành tích của Nguyễn Ngọc Kiều Khanh, Á hậu cuộc thi Hoa hậu thế giới người Việt và là đại diện cho Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2010. Không chỉ thành công tại cuộc thi trong nước, Kiều Khanh còn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại cuộc thi sắc đẹp quốc tế, giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh thân thiện và mến khách của mình ra khắp thế giới.
Á hậu Nguyễn Ngọc Kiều Khanh mang vẻ đẹp dịu dàng của người con gái Việt.