Có hay không cơ hội đầu tư Bất Động Sản?
Từ giữa năm 2010 đến nay, thị trường bất động sản được ví như “con Thuyền đang ở đầu ngọn sóng”. Cả nhà đầu tư và khách hàng gần như bị “đơ” do ảnh hưởng từ nhiều phía: khó khăn về vốn, vật giá leo thang, vàng liên tục đột biến, tình hình kinh tế thế giới tác động trực tiếp. Dưới đây là những nhận định của “Người trong cuộc”.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty Hưng Thịnh
Ông Marc Townsend, TGĐ Công ty CB Richard Ellis (Việt Nam)
Tình hình BĐS từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP.HCM trong giai đoạn hiện nay trở nên yên lặng. Tuy nhiên, thị trường BĐS nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Nhu cầu mở rộng căn hộ hay mua thêm căn hộ đối với khách hàng vẫn được duy trì, nhưng giảm dần trong hai năm trở lại đây.
Cơ sở hạ tầng tại Việt Nam trong hai năm trở lại đây đã có sự thay đổi lớn, cầu vượt ở nhiều tuyến đường được xây dựng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dự án BĐS. Việc bán đấu giá công khai các khu đất cũng mang đến nguồn lợi cho chính phủ. Trong vài năm trở lại đây, chính phủ Việt Nam cũng đã tiếp cận với thị trường BĐS ở Hồng Kông và Singapore, qua đó tạo cơ hội cho NĐT, khách hàng trong nước mở rộng thị trường chiến lược ở Hồng Kông, Singapore. Tôi tin, đây sẽ là khởi sắc đáng kể cho những NĐT BĐS để họ mở ra con đường đi mới, thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng hiện tại.
Ông Trịnh Thanh Chương, Chủ tịch HĐQT, Công ty Đầu tư Bất Động Sản Transland
Thật khó để dự đoán khi nào thị trường BĐS chạm đáy và hồi phục trong giai đoạn hiện nay. Quan hệ cung cầu còn diễn biến rất phức tạp và khó xác định cộng với giá tại nhiều nơi được đẩy lên quá cao, còn chưa trở về giá trị thực, nên thị trường hoàn toàn còn khả năng xuống thấp. Tuy nhiên, cục bộ đã có một số địa phương, vùng hay phân khúc có giá hầu như đã chạm vùng đáy (ví dụ TP.HCM) là cơ hội cho những người muốn an cư và những nhà đầu tư có nguồn vốn dài hạn. Còn thực sự là giảm bao nhiêu thì còn phải xem xét, do người bán không thể một mình quyết định được giá bán vì một dự án có rất nhiều chi phí (như đất đai, giải phóng mặt bằng, đền bù... thậm chí cả những khoản phí “không có trong giấy tờ”). Giá trị thực phải tính tất cả những chi phí đó. Ngoài ra, hệ thống phân phối của thị trường BĐS cũng cộng thêm vào giá thành làm cho giá đầu ra rất cao. Chính vì vậy, việc điều chỉnh giá giảm là câu chuyện cần thiết nhưng phải được thực hiên một cách đúng mực.
Việt Nam đã có được khoảng hơn 15 năm kinh nghiệm của thị trường BĐS, tuy ngắn so với sự phát triển hàng trăm năm của các nước khác nhưng sự biến chuyển cũng đáng kể. Trong những năm qua, chúng ta thấy rằng loại hình BĐS nào hướng về người tiêu dùng thì luôn có cơ hội cho NĐT. Đó sẽ là những sản phẩm chuẩn mực hơn (tính pháp lý chặt chẽ), giá trị sử dụng cao hơn (nhà làm xong thậm chí có đồ đạc), dễ tiếp cận hơn (bán công khai, niêm yết giá) và có mức giá đúng với túi tiền của người mua (để an cư cũng như đầu tư).
Riêng với công ty Transland, trong chiến lược phát triển của mình, chúng tôi dành ưu tiên để phát triển một sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thiết yếu nhất của người mua và mức giá thật sự hợp lý, một sản phẩm nhà ở mang tên HoneyHome với tiêu chí được gói gọn là “đủ rộng, vừa tiền, nhiều tiện ích”.
Để thị trường BĐS tại Việt Nam phát triển, theo tôi, vai trò của nhà nước trong việc điều tiết và hỗ trợ kinh tế nói chung và ngành BĐS nói riêng là rất quan trọng, cần phải được thực hiện cẩn thận và nhất quán. Trong đó, chú trọng đến những điều cơ bản:
Ổn định chính sách vĩ mô, chính sách phải đi trước thị trường chứ không phải ngược lại; quy hoạch phát triển đồng bộ; thực hiện quản lý chặt chẽ nhưng công bằng và chuẩn mực; điều tiết chứ không tham gia thị trường.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng
Nói thị trường BĐS “chạm đáy” không hoàn toàn chính xác bởi BĐS cũng có những phân khúc khác nhau. Có thể thấy, nhà chung cư cho người có thu nhập thấp lượng cung không đáp ứng được cầu. Hay các trung tâm thương mại, các khu công nghiệp… nhu cầu vẫn rất lớn và chưa đủ để đáp ứng cung. Đây vẫn là những cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời điểm này.
Thế nhưng, nhìn một cách tổng quát thì thị trường BĐS đang chứng kiến sự trầm lắng đầu tiên kể từ đợt suy thoái 2008-2009. Nguyên nhân nổi cộm nhất khiến các nhà đầu tư BĐS gặp phải là tín dụng của ngân hàng thương mại đang bị thắt chặt với quy định của ngân hàng nhà nước: tất cả tín dụng phi sản xuất - trong đó có tín dụng BĐS không vượt quá 22% vào cuối tháng 6/2011 và không quá 16% vào cuối tháng 12/2011. Thêm vào đó, vấn đề lãi suất của ngân hàng đang quá cao làm cho những người đi vay ngân hàng phải gánh chịu một khoản lãi lớn.
Trong khi đó, tính thanh khoản của thị trường BĐS kém bởi người mua thì ngóng chờ giá BĐS tiếp tục hạ, người bán thì hy vọng giá bật lên. Xét trên quan điểm của người mua và người bán, đó là động thái khôn ngoan. Đứng trên góc độ hệ thống, nó là điều làm trì trệ cả ngành BĐS. Tính thanh khoản của thị trường BĐS ứ đọng là một điều bất lợi. Không chỉ cá nhân, DN đầu tư vào BĐS mà cả những ngành nghề liên quan cũng đều thiệt hại.
Quy định của ngân hàng nhà nước về việc hạn chế tín dụng phi sản xuất là biện pháp thích hợp để dồn nguồn lực vào lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, việc “cào bằng” tất cả các dự án BĐS và giới hạn việc tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực này có thể dẫn đến hậu quả là có nhiều dự án chiến lược, mang tính chất sản xuất cũng bị giới hạn luôn hoạt động sản xuất trong nền kinh tế.
Các cơ quan chức năng nên định nghĩa rõ hơn về BĐS, có những loại BĐS cần giới hạn, có những loại BĐS cần hỗ trợ thêm, như đất, mua đất đầu cơ… là các lĩnh vực ngân hàng nên siết chặt, nhưng có những dự án xây dựng mang tính hỗ trợ cho việc phát triển nền kinh tế thì nên được nới rộng. Đồng thời, các chính quyền địa phương nên rà soát lại các dự án BĐS tại địa phương đã bỏ dở nhiều năm, xem có thực sự cần thiết để tiếp tục.
Về phía các ngân hàng thương mại, một mặt giới hạn và tuân thủ theo quy định của ngân hàng nhà nước, một mặt cũng nên tìm cách giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS qua các gói sản phẩm dịch vụ, tín dụng, những lãi suất hợp lý hỗ trợ.
- Thị trường bất động sản hiện nay không phải “trầm lắng”, càng không thể “đóng băng”. Nó đang trở về đúng quỹ đạo, đúng với giá trị thật của nó. (Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam)
- Thị trường bất động sản bắt đầu giai đoạn đi xuống. Thời gian để thị trường có thể phục hồi trở lại theo phân tích kỹ thuật của Savills cũng phải mất đến 3 năm. Hiện nay những người trong cuộc đang nhìn ngó lẫn nhau... (Ông Trần Như Trung, GĐ Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Việt Nam)
|
Loan Đặng
Theo Phong Cách Doanh Nhân