Cần tổ chức lại không gian sông Sài Gòn của thành phố Thủ Đức
TTO - Thành phố Thủ Đức tương lai có quỹ đất khá rộng chạy dọc sông Sài Gòn. Nếu được tổ chức lại không gian phù hợp sẽ góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng sống cho người dân, càng phát huy ý nghĩa sông Sài Gòn.
Dòng sông Sài Gòn lung linh đoạn ngang quận Bình Thạnh và quận 2 vào ban đêm - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM với thực trạng thiếu mảng xanh, cây xanh, thảm cỏ, công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng…
Các khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên chủ yếu phục vụ giới trẻ, không phù hợp cho người lớn tuổi và các tầng lớp lao động khác. Không gian trung tâm đã quá tải, hầu hết các quỹ đất đều được xây dựng, nén chặt nhà cao tầng.
Quỹ đất dọc sông Sài Gòn rất thích hợp làm dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian làm cảnh quan đẹp kết nối khu vực trung tâm và lân cận.
Hài hòa, cá tính và bản sắc. Một không gian thoáng đãng, bầu không khí trong lành với tự nhiên kết hợp với di sản văn hóa. Ngày nay cần hướng đến thành phố mở, hài hòa trong sự đa dạng ở những thành phần thụ hưởng.
Thành phố Thủ Đức tương lai với bờ có bờ Đông sông Sài Gòn thuận lợi dễ dàng kết nối các di tích và địa điểm văn hóa, chùa, nhà thờ.
Rất ý nghĩa nếu kết hợp trong bảo tồn di tích văn hóa lịch sử và kết hợp khai thác các ngành dịch vụ, phát triển du lịch. Tòa nhà chọc trời dù đồ sộ nhưng không có ký ức đọng lại, không có hồn xưa cũ nên chẳng bao giờ đại diện cho cá tính và bản sắc ở nơi đó, người đến ở hay đứng nhìn như bị nuốt chửng vào bên trong.
Khai thác du lịch, phát triển văn hóa, tái hiện lại cảnh truyền thống "trên bến dưới thuyền".
Sông Sài Gòn đoạn qua thành phố Thủ Đức không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm thuận, chiều sâu và bề rộng rất lý tưởng cho tàu thuyền di chuyển mà còn mang dấu ấn lịch sử được kết nối với hàng loạt di tích và địa điểm văn hóa như chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ và cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng...
Thành phố cũng tập trung phát triển cảng, bến thủy nội địa phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách và du lịch.
Trong ảnh: du khách nước ngoài đến TP.HCM bằng du thuyền trước dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tận dụng lợi thế này khai thác thêm nhiều chức năng để sông Sài Gòn trở thành "đặc sản văn hóa" của TP.HCM, mang màu sắc của vùng đất và con người bản xứ - một sản phẩm du lịch phi vật thể trong đô thị mà nhiều tầng lớp cư dân sẽ được thụ hưởng, thu hút khách du lịch.
Chẳng hạn như kinh doanh du thuyền ngắm cảnh, phục vụ ẩm thực và nước uống, thưởng thức đờn ca tài tử trên sông... càng tạo thêm ấn tượng tốt cho du khách hay giới thiệu văn hóa, các món ăn truyền thống Nam bộ vào buổi tối sẽ làm cho không gian sống động.
Ngoài ra còn là chuyện giải quyết thoát nước. Sông Sài Gòn đoạn qua thành phố Thủ Đức còn giúp dẫn nước tự nhiên cho rất nhiều tuyến đường, ngõ ngách để không bị ngập khi có mưa lớn. Như đoạn thuộc phường Linh Đông, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước trước đây là quỹ đất trống tự nhiên với cây xanh, khi đó hiếm khi bị ngập dù trời có mưa lớn nhờ dẫn dòng thoát nước tự nhiên cho cả khu vực cùng với các trục đường lớn như Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân…
Từ khi quỹ đất khu vực này hình thành các dự án bất động sản, bị lấn chiếm trở thành con đê chắn ngang bờ sông thì xảy ra tình trạng ngập nặng.
Sông Sài Gòn đoạn qua cầu Bình Lợi - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Hãy dừng cấp phép các dự án ven sông, xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm bờ sông trái phép. Cần xem lại các dự án đầu tư nhà ở, bất động sản nếu có quy hoạch cục bộ, xét thấy không phục vụ đa số cộng đồng cũng nên điều chỉnh sao cho mỗi người dân đều có thể được hưởng lợi từ dòng sông Sài Gòn. Mặt sông vốn là không gian công cộng từ bao đời, đừng để lọt vào tay các dự án tư nhân trở thành sở hữu riêng.
Nên chăng tổ chức thi tuyển quy hoạch tổng thể, thiết kế mang tầm quốc tế để tham khảo thêm kinh nghiệm và cách làm đã thành công ở các thành phố nổi tiếng trên thế giới từ Hong Kong, Thượng Hải đến Tokyo, Ba Lan, London, New York...
Qua đó, có nhiều sự so sánh, đánh giá để chọn phương án tối ưu và chất lượng nhất. Đồng thời, xác định cụ thể đối với từng khu vực dọc bờ sông Sài Gòn đoạn qua thành phố Thủ Đức để đánh giá nơi nào khai thác thương mại và xây dựng cảnh quan, công viên, công trình phục vụ cộng đồng.
Sự thật công tác quy hoạch, thiết kế dự án tốt đến mấy cũng khó tránh khỏi sai sót, kể cả những rủi ro bất thường ngoài ý muốn. Nếu có góp ý, phản biện, so sánh vẫn có thể hạn chế những yếu tố sai lạc và giảm thiểu các rủi ro.
Khi đã có quy hoạch, thiết kế trọn vẹn quỹ đất này cũng là cơ sở để tổ chức triển khai, nhà đầu tư yên tâm hợp tác, người dân ủng hộ là chìa khóa cho sự thành công.
Về kinh phí tổ chức thực hiện, có thể khai thác từ quỹ đất còn lại. Trong đó, có quỹ đất dồi dào chưa xây dựng ngoài hành lang an toàn sông cũng có thể nghiên cứu cho làm dự án nhưng quy hoạch thiết kế sẵn cho phép kinh doanh xây dựng với mật độ thấp và chiếm phần nhỏ diện tích cho nhà ở nhưng hài hòa kiến trúc trong bức tranh tổng thể.
Thành phố nhìn từ trên cao - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trên cơ sở quy hoạch và thiết kế dự án, cũng có thể xã hội hóa kêu gọi đầu tư. Đặc thù công trình phục vụ công cộng sẽ thu hút nhiều người nên rất thuận lợi trong khai thác quảng cáo, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, khai thác cho thuê dịch vụ.
Thu hút đầu tư và huy động được nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các dự án phục vụ cộng đồng dọc bờ sông Sài Gòn qua địa bàn thành phố Thủ Đức và khai thác dịch vụ là rất khả thi vừa giúp giảm gánh nặng ngân sách, TP.HCM còn thu thuế nếu được nghiên cứu và có những quyết sách phù hợp.
Như vậy, hài hòa lợi ích giữa các bên. Người dân có điểm đến hấp dẫn. Nhà đầu tư có lợi nhờ tăng giá trị quỹ đất, khai thác dịch vụ. Chính quyền vừa làm hài lòng người dân, thu hút được nhà đầu tư, mang tới nguồn thu cho ngân sách và hình ảnh thành phố nhân văn, đặc biệt là đặt lợi ích cộng đồng, phát triển bền vững lên hàng đầu.
Theo tuoitre.vn