Cam Ranh và tứ linh: Long- Lân - Quy - phụng
Bãi biển Cam Ranh
Thiên nhiên đã ban tặng cho Cam Ranh những danh thắng nổi tiếng với vùng vịnh bao la, nhấp nhô sóng bạc, trời cao vời vợi và địa thế 4 ngọn núi án ngữ ở bốn phía mang dáng dấp 04 con linh vật: Long – Lân – Quy – Phụng chứng kiến bao thăng trầm lịch sử trong quá trình đấu tranh bảo vệ quê hương đất nước từ thuở khai sinh lập địa đến nay.
Hòn Lân: (hướng tây)
Đi sâu vào bên trong trại dừa với những rừng dừa nặng trĩu quả trải dài bát ngát hơn 3km thuộc xã Cam Thịnh Đông là núi Hòn Lân với độ cao 388m. Trên ngọn núi có hang ông Cọp. Xưa kia dưới chân núi Hòn Lân có ngôi chùa Thanh Hải song hiện nay chỉ còn phế tích với bức tượng phật bà còn nguyên vẹn đứng trước núi. Theo lời các vị trụ trì kể lại, mỗi lần các vị sư trì kinh là chú cọp rời khỏi hang xuống chùa nằm nghe kinh. Hiện nay, ngọn núi này hầu như còn nguyên vẹn được phủ xanh bởi hệ động thực vật phong phú như chim rừng, sóc, trỉ, gà rừng, nhím, thỏ, những con cheo, mang nhưng đẹp mắt nhất là những loại hoa rừng ngũ sắc, cây huyết giác (gọi là sắc máu), cây thiên tuế rừng đủ kiểu dáng như những bông hoa tô đẹp thêm cho ngọn núi huyền bí này. Hiện tại, các nhà sư đang xin các cấp có thẩm quyến khôi phục lại ngôi chùa.
Hòn Rồng: (hướng bắc)
Dãy núi Hòn Rồng có nhiều nhánh kéo dài từ phường Cam Nghĩa, qua phường Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Lộc, Ba Ngòi và xã Cam Phước Đông có độ cao trung bình vào khoảng 728m so với mặc nước biển, có nhánh địa hình thoai thoải rất dễ đi, càng đi vào sâu bên trong rừng là những đồi cây ăn trái như xoài rừng ( trái nhỏ nhưng rất ngọt), mãng cầu, say rừng, đu đủ rừng, cam rừng nặng trĩu cành bên cạnh là những dòng suối chảy róc rách ( hướng tây bắc của núi Hòn Rồng). Đứng trên lưng chừng núi Hòn Rồng khi hoàng hôn buông xuống, trước mắt chúng ta là một thành phố Cam Ranh thơ mộng với làng khói lam chiều bay ẩn trong những ngôi làng xanh mướt rợp bóng xanh của xoài và dừa, xa xa bán đảo Cam Ranh với biển trãi rộng đến chân trời bên những đám mây lơ đảng bay vờn ôm lấy núi.
Có thể nói nơi đây lý tưởng cho xây dựng các tour du lịch khám phá, du ngoạn, leo núi, picnic, teambuiding.
Hòn Quy: (hướng nam)
Ở đầu phía nam của thành phố, ven theo đường quốc lô 1A, Hòn Quy như con rùa đang ngẩn đầu bơi ra biển. Ngọn núi cao 82m này, theo lời kể của các bô lão trong làng, trong thời quân Mỹ xâm chiếm, bao nhiêu lần chúng muốn phá núi để xây dựng công trình song đã thất bại. Ở dưới chân núi còn có bãi tắm có thể phát triển được loại hình du lịch tắm biển và leo núi,
Hòn Phụng: (hướng đông)
Ở hướng đông thành phố, nằm trong dãy núi đâm ngang ra biển, trong Đại Nam nhất thống chí núi Phụng Hoàng gọi là núi Thạnh Đức. Các ngọn núi này nằm sâu trong vùng 4 hải quân, bán đảo Cam Ranh, đặc biệt trên núi Hòn Phụng ở sườn núi phía bắc có hồ nước ngọt thiên nhiên rất lớn gọi là ao hồ có hồ với chiều dài 1km, chỗ rộng nhất 250m và hẹp nhất 50m với khối lượng nước khoảng 16.000 m3. Tưong truyền giữa thế kỷ 17, trong thời kỳ diễn ra cảnh phân tranh Đàng Trong và Đàng Ngoài. Chiêm thành đem quân đánh biên giới phá vùng đất phía nam của chúa Nguyễn. Chúa Hiền mang quân thủy bộ truy kích địch và đánh nhau quyết liệt với quân Chiêm tại Hộ Diêm (Ninh Thuận). Sau khi thắng lợi thuỷ quân rút vào vịnh Cam Ranh để tránh gió. Quân chúa Nguyễn ở lâu ngày trên vùng vịnh nên hết nước ngọt. Đích thân chúa Nguyễn Hiền cùng quân sĩ đổ bộ lên bán đảo Cam Ranh để tim nước ngọt và phát hiện ra hồ nước trên núi Phụng Hoàng, bèn đặt tên cho hồ nước và địa danh vùng này là Cam Hồ (Hồ nước ngọt).
Theo http://camranh.khanhhoa.gov.vn