Các doanh nhân nổi tiếng kể chuyện vượt dịch Covid-19
"Khi Covid-19 bùng nổ, tôi không đủ tự tin và rất căng thẳng. Nhưng có lẽ tính cách con người là càng khó khăn càng cứng rắn", ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh, nói.
Có mặt tại chương trình Cà phê doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 26/9, ông Nguyễn Đình Trung khẳng định đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn của ngành bất động sản. Thậm chí, sự trở lại lần hai của dịch Covid-19 là cú đánh rất mạnh, bởi mọi nguồn lực đã được dồn để chiến đấu với đợt dịch đầu tiên.
"Bất động sản là tài sản lớn, cần quá trình tích lũy dài hạn. Bởi vậy, quyết định đầu tư bất động sản trong giai đoạn này là câu chuyện rất khó", chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ.
Chia sẻ những khó khăn với ngành bất động sản và du lịch, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, cũng cho biết trong nửa đầu năm qua, giá trị những công trình mới ký hợp đồng của doanh nghiệp chỉ bằng 50% năm ngoái.
Trong nguy có cơ
Từ đó, doanh thu hai quý của Hòa Bình chỉ tương đương một quý trước đây. Trong quý II, doanh nghiệp đạt lợi nhuận 4 tỷ đồng, trong khi các năm trước lãi không dưới 100 tỷ đồng mỗi quý.
Tuy nhiên, các doanh nhân cho rằng đây là giai đoạn để thực hiện những điều trước nay chưa thể. Ông Nguyễn Đình Trung đánh giá kết quả của quá trình tái cấu trúc và số hóa tại Hưng Thịnh trong ba tháng đầu ứng phó với dịch Covid-19 tương đương hai năm trước đó. Ông Lê Viết Hải cho biết đã hoàn thành hệ thống làm việc trực tuyến với hơn 5.000 công việc được phân chia rõ ràng để theo dõi và phối hợp.
Tập đoàn Hòa Bình thời gian qua cắt giảm khoảng 20% nhân sự, đồng thời giảm số giờ làm và mức tiền thưởng hiệu suất công việc của nhân viên. Tuy vậy, ông Lê Viết Hải khẳng định không sa thải những nhân viên có năng lực và mong muốn gắn bó.
Lãnh đạo các doanh nghiệp lớn chia sẻ về câu chuyện ứng phó với Covid-19. Ảnh: L.A.
Do đó, song song với quá trình tái cấu trúc, doanh nghiệp tổ chức đào tạo cho lực lượng lao động dư thừa. Những người chưa được bố trí công việc sẽ tham gia các chương trình đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng mềm, nhằm đón đầu cơ hội lớn sau đại dịch.
Theo doanh nhân này, Chính phủ đã có chủ trương sử dụng ngành xây dựng để phục hồi sau đại dịch. Đầu tư công được chú trọng, còn đầu tư tư nhân cũng được cởi trói khi 10 loại công trình không phải xin phép xây dựng, và công tác thẩm định, thiết kế, thanh tra, kiểm tra giảm đi.
Đồng thời, ông nhận thấy các nước đang có khuynh hướng giảm phụ thuộc vào hàng Trung Quốc, trong đó có sản phẩm vật liệu xây dựng và dịch vụ xây dựng tổng hợp. Chính vì vậy, ngành xây dựng có thể vươn ra nước ngoài, bằng cách nắm bắt cơ hội thay thế nhà thầu Trung Quốc. Ông cho rằng nền công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam đang phát triển tốt với tiêu chuẩn cao hơn thế giới.
"Nếu có năng lực đấu thầu, chúng ta có thể kéo theo cả chuỗi cung ứng cùng phát triển. Trong ngành có mảng thiết kế hay quản lý dự án, ngoài ra có thể hỗ trợ các ngành ngân hàng, quỹ đầu tư, bảo hiểm, logistics...", ông Lê Viết Hải nhận định.
Cùng chung quan điểm "trong nguy có cơ", bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood, cho biết công ty vẫn tiến hành tất cả dự án trong giai đoạn Covid-19. Thậm chí, doanh nghiệp còn tăng tốc mạnh hơn để sẵn sàng tung hàng ra ngay khi kết thúc đại dịch.
Sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khác
Đứng trước cuộc khủng hoảng Covid-19, bà Trần Thị Lệ cho rằng các doanh nhân cần giữ thái độ bình tĩnh để có thể phân tích tình hình và tìm ra giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị có thể tìm đến sự hỗ trợ từ những doanh nghiệp khác, chỉ cần có định hướng và tầm nhìn thuyết phục.
"Đối với NutiFood, chúng tôi rất sẵn sàng hợp tác với một số doanh nghiệp khác để chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác, như tham gia vào một số dự án nào phù hợp, có thể tạo ra giá trị tăng thêmg. Nếu có chương trình nào để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi cũng rất sẵn sàng", tổng giám đốc NutiFood khẳng định tại buổi gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM.
Riêng trong lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Đình Trung còn kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng để chia sẻ khó khăn chung. Đồng thời, Hưng Thịnh cũng có kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp non trẻ từ năm 2021, để cùng tạo nên sự hồi phục và phát triển chung cho toàn nền kinh tế.
Còn trước mắt, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, cho rằng cần nhanh chóng gỡ khó cho những doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các nhà sản xuất, xuất khẩu vốn đem về hàng tỷ USD cho đất nước những năm qua.
"Không thể cào bằng các hỗ trợ, càng không thể để xảy ra tình trạng gói 62.000 tỷ đồng vẫn còn đó trong khi nhiều doanh nghiệp sống dở chết dở. Chính phủ và các cơ quan liên quan có thể đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại tự do mạnh mẽ hơn nữa để tạo động lực nâng đỡ các doanh nghiệp Việt Nam", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nêu quan điểm.
Từ phía HUBA, ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch hiệp hội, khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức nhiều buổi gặp "Cà phê doanh nhân" nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp có cơ hội cùng thảo luận, định hướng và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Bên cạnh đó, hiệp hội tiếp tục thực hiện vai trò cầu nối giữa chính quyền và doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn.
Theo zingnews.vn