Bất động sản Khánh Hòa 'ấm dần' trong những tháng cuối năm
Những động thái tích cực về chính sách cũng như việc nhà đầu tư đang quan tâm đến thị trường Khánh Hòa được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản (BĐS) tỉnh này 'ấm dần' trong những tháng cuối năm.
1.200 tỷ đồng từ giao dịch BĐS
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trong quý III/2022, thị trường BĐS tại địa phương có nhiều chuyển biến với tổng giá trị giao dịch hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, ghi nhận giao dịch 5.541 lô đất nền, 627 căn nhà ở riêng lẻ, 221 căn chung cư.
So với quý II, đất nền giảm hơn 2.200 giao dịch, nhà ở riêng lẻ cũng giảm nhẹ, riêng giao dịch chung cư tăng. Cũng trong quý III, Khánh Hòa có 10 dự án nhà ở thương mại đang triển khai với quy mô 4.796 căn nhà ở riêng lẻ.
Phân khúc nhà ở thu nhập thấp khu đô thị có 3 dự án đang triển khai với 1.490 căn. Phân khúc dự án du lịch nghỉ dưỡng Khánh Hòa có 26 dự án đang triển khai với 12.149 căn hộ du lịch và 2.588 biệt thự du lịch.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, thị trường BĐS địa phương ấm dần lên với các thông tin tích cực từ việc Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục triển khai và đưa dự án vào khai thác, đặc biệt là việc các bộ luật ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh bất động sản.
Cụ thể, như Luật Đất đai, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi. Cùng với việc nhiều nhà đầu tư đang mong muốn được nghiên cứu đầu tại tỉnh Khánh Hòa, Sở Xây dựng tỉnh này dự báo trong quý IV/2022 tình hình BĐS sẽ trở nên sôi động hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, Khánh Hòa là một thị trường cực kỳ tiềm năng, khu vực xuất sắc của quốc tế, vượt qua tầm quốc gia. Tuy nhiên, thị trường đang chững lại vì chính sách kiểm soát tín dụng và động thái tăng cường kiểm tra, kỷ luật cán bộ sai phạm.
Theo ông Đính, thị trường Khánh Hòa mặc dù ít giao dịch do không có nhiều sản phẩm, thế nhưng với sự phát triển của Khánh Hòa, các vùng Bắc Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm... đều là các khu vực tiềm năng trong tương lai.
Đặc biệt, với lợi thế về BĐS du lịch khi Việt Nam trở thành cường quốc của ngành du lịch, Nha Trang sẽ là 'thủ phủ', từ đó sẽ có lợi thế mạnh để thu hút du lịch, nhóm khách hạng sang, tiêu tiền nhiều sẽ tập trung tại đây.
'Khánh Hòa cần đi tắt, đón đầu xu thế để nhà đầu tư đến địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư. Doanh nghiệp cần tạo ra các sản phẩm có giá trị, hướng đến giá trị cao, tinh hoa chứ không nên chỉ nghĩ đến việc thu hút về số lượng', ông Đính đề xuất.
Đề xuất một số điều chỉnh quy hoạch KKT Vân Phong
Tỉnh ủy Khánh Hòa vừa có thông báo kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh về điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa lưu ý về đề xuất tên gọi một số phân khu chức năng cần điều chỉnh theo hướng ngắn gọn, thể hiện đúng tính chất, phù hợp với nội dung nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, lưu ý không sử dụng một số cụm từ chưa rõ về mặt khái niệm trong thuyết minh đồ án như: 'Khu đô thị sân bay', 'Trung tâm triển lãm du thuyền quốc tế'...
Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, điều chỉnh diện tích đất ở tại phân khu 3 khu vực thôn Đầm Môn và phân khu 5 khu vực Tuần Lễ - Hòn Ngang thuộc bán đảo Hòn Gốm với tỷ lệ đất ở tối đa không quá 10% so với tổng diện tích vực đất liền.
Đồng thời, nghiên cứu tăng diện tích quỹ đất Khu phi thuế quan gắn với trung tâm cảng biển tại khu vực Đầm Môn bao gồm khu dịch vụ logistics, khu đô thị trung tâm thương mại - tài chính và các chức năng khác; tăng quỹ đất dự trữ để phục vụ cho Cảng trung chuyển quốc tế Bắc Vân Phong với diện tích phù hợp với quy hoạch chi tiết được Bộ GTVT phê duyệt.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Khánh Hòa tính toán, tăng thêm diện tích đất tại các khu tái định cư Vĩnh Yên, Vạn Thắng, Vạn Long nhằm xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm đầy đủ các điều kiện tối ưu để người dân có cuộc tốt hơn tại nơi ở mới.
Về các giải pháp tạo sinh kế, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, Thường trực Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa giao Ban quản lý KKT Vân Phong phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, xây dựng đề án chuyển đổi việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề khác bảo đảm sát với tình hình thực tế, hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban quản lý KKT Vân Phong phối hợp với đơn vị tư vấn và các sở, ngành liên quan chủ động rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, có tính thuyết phục cao để báo cáo, giải trình với các bộ, ngành trung ương, nhằm đẩy nhanh tiến độ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.