Tin công ty | 15-03-2023
Tin thị trường | 15-09-2011
Ẩn số thị trường BĐS sắp được hoá giải?
Một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ sắp được ký ban hành? Với vai trò "tổng tư lệnh", chỉ thị này là tập hợp của tất cả những đề xuất, giải pháp và biện pháp về thị trường bất động sản (BĐS) - đã được các cơ quan liên quan nêu ra ròng rã suốt từ giữa tháng 4/2011 đến nay.
Khác hẳn với thời điểm tháng 6/2011, lần này có cơ sở rõ rệt hơn nhiều cho một chỉ thị về thị trường BĐS. Gần đây nhất, vào ngày 13/9/2011, Bộ Xây dựng đã hoàn tất tờ trình để Chính phủ ban hành chỉ thị về quản lý thị trường BĐS phát triển lành mạnh. Khá nhiều nội dung đã được Bộ Xây dựng nêu ra trong tờ trình này như "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030", phương pháp xác định giá đất sát giá thị trường theo quy định tại Nghị định 69, sửa đổi quy định về nộp thuế thu nhập cá nhân, ban hành tiêu chí cho vay BĐS...
Như vậy, có thể hình dung rằng bản chỉ thị của Chính phủ có thể được ký ban hành sắp tới sẽ khá cụ thể về tính giải pháp, biện pháp, kể cả kế hoạch và phân công thực hiện, chứ không thuần túy là chủ trương, đường lối.
Một tinh thần mới cũng đáng chú ý của bản chỉ thị này là "một số giải pháp nhằm quản lý thị trường BĐS phát triển lành mạnh", trong khi Nghị quyết của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2011 giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng hoàn chỉnh dự thảo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý thị trường BĐS ổn định, lành mạnh đã không hàm chứa từ "phát triển".
Việc đó cũng gợi lại một sự so sánh mang tính tranh luận khác về khái niệm BĐS. Trong nửa đầu năm 2011, BĐS vẫn còn bị quy là khu vực "phi sản xuất" và bị phần lớn các ngân hàng đóng cửa cho vay tín dụng. Nhưng từ giữa tháng 4/2011, cùng với tín hiệu đầu tiên xuất phát từ Bộ Xây dựng về việc cần xem xét lại khái niệm này, BĐS đã chuyển dần sang tính "sản xuất" và đang tiệm cận với cánh cửa vay vốn của ngân hàng thông qua bộ tiêu chí cho vay có thể được áp dụng trong thời gian tới.
Đáng lý ra, bản chỉ thị của Chính phủ về quản lý thị trường BĐS đã được phổ biến đại chúng từ giai đoạn tháng 6-7/2011; và biết đâu đấy, đó lại là tia sáng kích hoạt giúp cho các doanh nghiệp BĐS đỡ khốn khó. Tuy nhiên, thời gian giữa năm lại là một thời kỳ khá là không thích hợp với những giải pháp mang tính tình thế. Vào thời gian ấy, chỉ số lạm phát vẫn ngất ngưởng, kéo theo "chợ" lãi suất huy động và lãi suất cho vay hoạt động tựa như chợ đen mua bán đô la, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức cầu của toàn hệ thống kinh tế, trong đó tác động rất nặng nề đến cầu nhà đất.
Bởi thế, sự nhen nhóm của thị trường BĐS giữa năm 2011 đã trở nên bất thành. Nhiều doanh nghiệp BĐS chỉ đành than thân trách phận và đổ lỗi cho nguyên nhân gây ra sự bất thành đó là do... kỳ họp Quốc hội.
Còn tình hình hiện nay đã đổi khác khá nhiều. Lạm phát có vẻ như đã lập đỉnh vào tháng 8/2011, dẫn đến chiều hướng giảm dần hai mặt bằng lãi suất. Khoảng cách từ tháng 6/2011 đến nay cũng là thời gian mà kênh tái cấp vốn từ Ngân hàng nhà nước cho một số ngân hàng cấp dưới được tái khởi động, trở thành cái phao cứu sinh cho khá nhiều doanh nghiệp BĐS.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội vào cuối tháng 7/201, thị trường BĐS bắt đầu chuyển động. Nhưng không phải là chuyển động về giá hay giao dịch, mà bắt đầu bằng những tín hiệu về dư luận và chính sách. Có thể nói, tháng 8/2011 là tháng của hội thảo. Hàng loạt cuộc hội thảo về thị trường BĐS đã được tổ chức từ Bắc vào Nam, liên quan đến các chủ đề "bong bóng BĐS", "nợ xấu BĐS", "khơi thông dòng vốn", "giải pháp phục hồi", "an sinh xã hội"...
Hiển nhiên, những cuộc hội thảo này đã mang lại ít nhất một khí sắc mới đối với thị trường BĐS ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, vốn đang chìm trong cơn mê ngủ nặng nhọc. Dư luận được khuấy động, dư luận lại tiếp nối tạo ra hiệu ứng lan truyền của nó về nhiều vấn đề, từ khái niệm đến giải pháp, biện pháp.
Và cho đến khi Phó chủ nhiệm Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng "không nên mất thời giờ vào chuyện tranh luận BĐS là sản xuất hay phi sản xuất nữa", hoạt động tạo khung chính sách BĐS bắt đầu đẩy mạnh. Đã từ khá lâu nay, Ủy ban nhân dân TP.HCM mới có một văn bản đề xuất với Bộ Xây dựng và Chính phủ về một số biện pháp nhằm phục hồi thị trường BĐS tại khu vực này.
Tháng 8/2011 cũng là thời gian mà hàng loạt văn bản chính sách về thị trường BĐS được tung ra. Vào tuần đầu tháng 8/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 113 về mức thuế thu nhập cá nhân đối với các giao dịch chuyển nhượng nhà, đất - một động thái mà có dư luận cho rằng sẽ "cởi trói" cho rất nhiều giao dịch đang bị ngưng trệ.
Vào trung tuần tháng 8/2011, trong một cuộc hội thảo, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho báo giới biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đưa BĐS khỏi nhóm phi sản xuất, nhưng với điều kiện phải được quản lý chặt chẽ. Tiếp theo đó, vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp được khơi lại, được nhìn nhận nhiều khuyết điểm trong quá trình thực hiện thời gian trước và đang được Bộ Xây dựng lên kế hoạch chấn chỉnh trong thời gian tới.
Cùng lúc, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1474 về chấn chỉnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà. Trước thực tế còn quá nhiều địa phương bê trễ và tắc trách về thủ tục liên quan đến đất đai, sự hiện diện của chỉ thị này có thể xem là một tác động thiết yếu nhằm tháo gỡ một vướng mắc rất lớn liên quan đến giao dịch của thị trường BĐS.
Vào cuối tháng 8/2011, cũng ở cấp Chính phủ đã có Nghị định số 75, cho phép doanh nghiệp được vay đến 70% tổng mức đầu tư dự án đối với một số dự án, trong đó có dự án xây nhà cho người có thu nhập thấp, sinh viên, dự án khu công nghiệp. Đáng chú ý, văn bản này ra đời trong bối cảnh lãi suất bắt đầu có xu hướng được kéo giảm thông qua một cuộc họp của Ngân hàng nhà nước với 12 ngân hàng thương mại lớn vào tuần cuối tháng 8/2011.
Khác rất nhiều với thời điểm tháng 6/2011, trong một tháng rưỡi qua, hệ thống "van" về giao dịch và dòng tiền đã được mở rộng hơn, tạo nên hình ảnh về hệ thống thủy lợi đã khá sẵn sàng cho đợt tưới tiêu đầu tiên vào cánh đồng BĐS đang khô cằn nứt nẻ. Tiền đồng đang có cơ hội để "bung" khỏi ngân hàng, tìm đến những kênh đầu tư sinh sôi lợi nhuận hơn.
Chỉ cần thêm bản chỉ thị của Chính phủ về "phát triển thị trường BĐS lành mạnh", khung chính sách đối với thị trường đặc thù này sẽ cơ bản được hoàn chỉnh. Trong gần một tháng qua, mặc dù đi trước thị trường BĐS khi phản ứng tăng trong xu thế giảm lãi suất, nhưng thị trường chứng khoán cho tới nay vẫn chưa hề có được bất kỳ một tín hiệu nào về khả năng hoàn chỉnh khung chính sách cho phục hồi, tuy Nghị quyết tháng 6/2011 của Chính phủ cũng đã đề cập đến một chỉ thị về quản lý lành mạnh thị trường chứng khoán.
Còn bản chỉ thị sắp tới của Chính phủ về thị trường BĐS, với vai trò "tổng tư lệnh" của các văn bản phân tán trước đó, có thể phát ra tiếng nói quyết định về sinh mệnh của thị trường BĐS vào một thời điểm bất ngờ và bất kỳ nào đó trong những tháng cuối năm nay.
Sau bản chỉ thị trên, có khả năng ẩn số thú vị sẽ được giải mã: hoặc Hà Nội, hoặc TP.HCM, hoặc thị trường BĐS ở cả hai khu vực đều có thể bắt đầu chu kỳ vận động tăng.
Nguồn tin: Diễn đàn Kinh Tế Việt Nam