An cư tốt để an tâm lạc nghiệp

TTO - “Một đô thị vệ tinh mà ở đó có đầy đủ từ việc làm đến những tiện nghi, tiện ích đáp ứng cho cuộc sống và sự phát triển của một gia đình, một cộng đồng là quá lý tưởng”, ông Trần Quốc Ngọc, phó Phòng quản lý quy hoạch chung Sở QH-KT TP.HCM, nói.


Quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông gồm 6 trọng điểm sáng tạo - Ảnh: CT encity

 

TP.HCM được quy hoạch là đô thị đa trung tâm với nhiều đô thị vệ tinh lớn nhỏ ở các hướng, phối hợp bổ trợ cho khu trung tâm TP. Nhưng thực tế các khu đô thị vệ tinh này phát triển chưa hoàn hảo khi người dân ở quận ven phải vào tận trung tâm TP để làm việc, chữa bệnh, học hành, còn người ở trung tâm phải đi xa hơn chục cây số hằng ngày đến làm việc ở Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia...

"Thông thường các công trình hạ tầng xã hội, công trình công cộng... luôn chậm hơn so với nhà ở; giao thông kết nối chưa được thuận lợi, đồng bộ. Điều này dẫn đến tình trạng người dân ở các khu dân cư mới phải đi xa..." - Ông Trần Quốc Ngọc

Hạ tầng thường đi chậm...

Trong quá trình hình thành, xây dựng TP Thủ Đức thuộc TP.HCM trong tương lai (đề án được Thủ tướng và các bộ, ngành trung ương ủng hộ) cần chuẩn bị gì để việc bố trí chỗ ở, chỗ làm, vui chơi... hợp lý, hiệu quả hơn?

KTS Trần Quốc Ngọc mở đầu cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ về vấn đề này như sau:

- Theo quy hoạch chung, TP.HCM sẽ phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và 4 khu đô thị vệ tinh phát triển theo các hướng: đông; nam; tây - bắc; tây, tây - nam.

Tại các khu đô thị vệ tinh sẽ hình thành các khu chức năng ở gắn với hệ thống hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh,..) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông kết nối. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa tương xứng với tầm vóc của TP.HCM cũng như kỳ vọng...

Khi Nhà nước duyệt quy hoạch một khu dân cư, tùy theo quy mô thì có phân bổ đầy đủ hạ tầng xã hội, thương mại dịch vụ, khu vui chơi giải trí, trường học, y tế... để phục vụ cho số lượng dân cư tại chỗ. Tuy nhiên thông thường các công trình hạ tầng xã hội, công trình công cộng... luôn chậm hơn so với nhà ở; giao thông kết nối chưa được thuận lợi, đồng bộ.

Điều này dẫn đến tình trạng người dân ở các khu dân cư mới phải đi xa, đi vào trung tâm TP để mua sắm, chữa bệnh, học hành...

Trong khi đó ở các khu công nghiệp thiếu chỗ ở cho công nhân, Khu công nghệ cao chưa hình thành khu ở cho chuyên gia hay quanh khu Đại học Quốc gia cũng không có khu nhà ở phù hợp cho các giảng viên, nhân viên...

Đại học Quốc gia được định hướng phát triển theo mô hình đô thị đại học hiện đại. Xung quanh khu vực đại học có những khu vực khác với chức năng dân cư, thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế... để phục vụ cho khu đô thị đại học, cho hàng chục ngàn sinh viên, giảng viên và các cán bộ công nhân viên khác ở đây.

Hay đối với Khu công nghệ cao TP (Q.9, thuộc TP Thủ Đức trong tương lai) tập trung các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, có hàm lượng chất xám cao, hiện được bố trí khoảng 60ha đất dành cho nhà ở chuyên gia.

Gần đó còn có hai khu nhà ở với diện tích hơn 20ha dành cho công nhân và chuyên gia nhưng cả hai khu nhà ở đến nay đều chưa triển khai được như mong muốn.

* Hiện Sở QH-KT đang tham mưu cho UBND TP điều chỉnh quy hoạch chung của TP, sở có nghiên cứu giải pháp, đề xuất gì để hạn chế, khắc phục tình trạng này?

- Để đô thị vệ tinh hình thành rõ nét hơn, một đô thị mà ở đó có đầy đủ từ việc làm đến những tiện nghi, tiện ích đáp ứng cho cuộc sống và sự phát triển của một gia đình, một cộng đồng là quá lý tưởng.

Đây là một bài toán khó. Ngoài vấn đề xây dựng quỹ nhà, tạo dựng những trung tâm đô thị hợp lý, tích hợp đa chức năng thì kế hoạch thực hiện và cơ chế chính sách là hai yếu tố quan trọng. Muốn các giảng viên chuyển đến ở gần Đại học Quốc gia thì trước tiên Nhà nước cần xây dựng những tiện ích, hạ tầng xã hội kèm theo nhà ở phù hợp với người trí thức. Kèm theo đó là xây dựng hệ thống giao thông kết nối trung tâm thuận tiện.

Nhưng tâm lý chung của số đông là hạ tầng, dịch vụ, việc làm ở trung tâm TP bao giờ cũng tốt hơn những khu vực mới nên Nhà nước phải có những chính sách ưu đãi cho người làm việc trong Đại học Quốc gia chuyển nhà ở đến gần nơi làm việc hoặc các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển quỹ nhà ở tại những khu vực đặc thù hay tạo các cơ hội việc làm phù hợp cho các cư dân tại nơi sinh sống.

Chính sách có thể là ưu đãi vay ngân hàng lãi suất thấp, hoặc hỗ trợ cơ chế chính sánh về thuế... để nhà đầu tư có thể xây dựng nhà ở với giá thành vừa phải, hợp lý và người làm việc tại khu vực này có thể tiếp cận quỹ nhà ở này.

Để có chính sách phù hợp, cơ quan chức năng cần có nghiên cứu khảo sát nguyện vọng, nhu cầu, điều kiện... của những đối tượng cần thu hút, khuyến khích để có chính sách và cách xây dựng, loại hình nhà ở, phân khúc phát triển cho

phù hợp. Sở QH-KT sẽ nghiên cứu tích hợp nội dung đề án "Chiến lược phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030" vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP sắp tới.

Quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững

* Theo định hướng phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía đông TP (TP Thủ Đức) trong tương lai thì khu ở của người dân được bố trí như thế nào?

- Trong quy hoạch sẽ tính toán về chỗ ở cho cư dân của TP phía đông, trong đó xác định khu nào là khu ở mới, khu nào cải tạo chỉnh trang, khu vực nào bảo tồn... Việc nghiên cứu bố trí không gian đều trên cơ sở ổn định đời sống của người dân, tôn trọng nền đô thị hiện tại, phát triển tốt hơn, bền vững hơn.

* Theo ông, trong một đô thị, khoảng cách lý tưởng từ nơi ở đến các tiện ích xung quanh (nơi mua sắm, nơi làm việc, công viên, khu vui chơi...) là bao nhiêu?

- Những nghiên cứu về quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững, phát triển giao thông xanh gần đây đưa ra các khuyến cáo về sắp xếp các không gian trong đô thị thì nơi ở đến nơi làm việc có thể đi bộ, đi xe đạp được.

Nếu tính theo khoảng cách để đi bộ, với nhịp sinh học và thể trạng của người Việt Nam cộng với tình hình khí hậu nhiệt đới thì nơi ở đến nơi làm việc khoảng 400-500m là vừa. Nếu đi xe đạp thì từ nhà đến nơi làm việc khoảng từ 15-20 phút đạp xe bình thường. Nếu khu vực có xe buýt nhanh hoặc xe điện thì nhà có thể xa nơi làm việc từ 10km trở lại.

KTS Nguyễn Ngọc Dũng (Hội Kiến trúc sư TP.HCM): Khoảng cách từ chỗ làm đến chỗ ở khoảng 1,5km là đẹp

Theo khuyến cáo của Liên Hiệp Quốc và kinh nghiệm của những đô thị trên thế giới thì một đô thị tri thức hoặc đô thị công nghệ cao có diện tích khoảng 3.000ha phục vụ cho khoảng 300.000 dân là lý tưởng.

Các yếu tố tạo nên hệ sinh thái của đô thị (nơi ở, giải trí, việc làm, trường học, bệnh viện...) nằm trong bán kính 1,5km là vừa đẹp. TP.HCM nên thí điểm xây dựng một số khu đô thị vệ tinh đã có sẵn hạt nhân như Khu công nghệ cao, khu Đại học Quốc gia...

Tại một đô thị, ngoài việc xây dựng những cơ sở công ăn việc làm thì Nhà nước sớm xây dựng các hạng mục hạ tầng kèm theo. Khi các nhà đầu tư xây nhà xong, người dân đến làm việc và có ngay hệ thống hạ tầng phục vụ thì họ sẽ dễ dàng chấp nhận và dời nhà đến ở gần nơi làm việc để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.

Với cách đầu tư như vậy, các khu dân cư thường hình thành rất nhanh và tập trung theo đúng ý đồ quy hoạch, Nhà nước dễ triển khai các tuyến giao thông công cộng, giải quyết được rất nhiều vấn đề của đô thị.

Theo tuoitre.vn

TIN TỨC KHÁC

Copyright © 2018 PropertyX. All Right Reserved | Một thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh | Chính sách bảo mật thông tin